37 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/1980 - 18/4/2017)

Vẽ lại cuộc đời

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/4/2017 | 6:54:38 AM

YBĐT - Những khoảng tường trong căn nhà nhỏ bé nơi con ngõ nhỏ ở tổ 57, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đã không còn chỗ trống bởi những tác phẩm hội họa. Những bức tranh có khuôn có khổ, đo đếm được đấy ẩn chứa cả một nghị lực sống không giới hạn của người phụ nữ đã và đang tự tay “vẽ lại” cuộc đời.

Chị Lê Thị Mỹ Bình tự tin tham gia Chương trình thời trang dành cho phụ nữ khuyết tật “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” tổ chức tại Hội An nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2016.
Chị Lê Thị Mỹ Bình tự tin tham gia Chương trình thời trang dành cho phụ nữ khuyết tật “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” tổ chức tại Hội An nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm 2016.

Đến giờ, đã 24 năm chị Lê Thị Mỹ Bình - tác giả của những bức tranh ấy phải gắn mình trên chiếc xe lăn. Số phận nghiệt ngã ập đến với Bình năm 12 tuổi. Căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã “cắt ngang” cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác của Bình. Những tháng ngày vất vả vào ra bệnh viện của hai mẹ con cuối cùng cũng không thể đưa Bình trở lại như xưa.

Trở về sau thời gian dài điều trị, đôi chân mất đi khả năng vận động, cơ thể teo tóp, Bình thấu hiểu, cuộc đời nghiệt ngã với mình thế nào từ đây. Ba năm sau ngày ngã bệnh, Bình trở lại trường học trên chiếc xe lăn. Nhưng rồi con đường đến trường cũng buộc phải ngừng lại khi hết lớp 9 bởi nhiều lý do bất khả kháng.

Bình bắt đầu tìm chút niềm vui trong sách báo và những nét vẽ, từ năng khiếu tự nhiên của bản thân. Thế rồi, Bình bắt đầu được người ta thuê vẽ tranh, vẽ báo tường nhưng cũng chỉ gọi là thêm thắt chút ít cho cuộc sống vốn rất khó khăn của hai mẹ con. Có những ngày tháng hai mẹ con chị phải đối mặt với thiếu thốn mà Bình mãi chẳng bao giờ quên được.

"Hai mẹ con chỉ sống dựa vào vẻn vẹn 42.000 đồng tiền trợ cấp khuyết tật của mình. Suốt ba tháng liền hai mẹ con chỉ ăn mì tôm loại rẻ tiền qua ngày, tối đi ngủ sớm cho đỡ tốn điện. Nhưng cũng chính qua những ngày tháng đó đã thôi thúc mình muốn làm cái gì đó để thay đổi cuộc sống, chứ không thể sống mãi thế được!" - chị nghẹn ngào nhắc lại.

Thế rồi cuộc sống cũng mở ra cho chị một lối nhỏ thoát khỏi những ngày tháng khó khăn đến cùng cực khi một vài học sinh đã tìm đến chị để học vẽ. Những lớp dạy vẽ thêm thắt được chút tiền cho hai mẹ con trang trải cuộc sống. Chị lại tiếp tục tìm chút niềm vui trong cuộc sống bằng những nét vẽ.

Bút chì, bút màu nước, bút dạ, bút sáp là những dụng cụ đơn giản phác lên những bức tranh của chị. Đó là những nét vẽ chất chứa bao nỗi lòng, bao khát khao về cuộc sống tốt đẹp hơn của chị. Có bức tranh được chị ghép bằng hàng vạn hàng vạn chấm giấy tròn bé xíu, đủ thấy sự kiên nhẫn như sự kiên nhẫn của chính bản thân chị vượt qua từng ngày khó khăn để vươn lên.

Internet mở ra cho chị cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài, gặp gỡ được những người đồng cảnh ngộ. Năm 2012, chị kết nối được với một họa sĩ khuyết tật đang tìm những người vẽ cùng cảnh ngộ để tổ chức triển lãm tranh tại Huế.

Lần đầu tiên tham gia triển lãm tranh, chị không chỉ tìm được sự đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ, chung niềm đam mê hội họa mà cũng là lần đầu tiên chị mới được biết đến thế nào là tranh sơn dầu, thế nào sơn acrylic... Niềm đam mê hội họa của chị được vun đắp, sẻ chia thêm bởi những người bạn chung hoàn cảnh khi chị trở thành thành viên của nhóm họa sĩ khuyết tật "Khát vọng ngày mới".

Chị vẽ nhiều hơn, say mê hơn, bán được một số bức tranh. Song những thiếu thốn, khó khăn vẫn hiện hữu không ít trong cuộc sống không cho phép chị có nhiều sự đầu tư vào những bức tranh như mong muốn. Nhưng những nỗi niềm sâu thẳm, những khát vọng thì vẫn cứ đầy lên, chất chứa trong mỗi nét vẽ của chị, để rồi mỗi bức vẽ lại cho chị thêm niềm vui, nghị lực. Chị xoay xỏa thêm đủ thứ việc trong khả năng của mình để vừa có tiền trang trải thêm cho cuộc sống của hai mẹ con vừa mong có thêm thu nhập để có thể có điều kiện đầu tư cho niềm say mê của mình.

Dịp Ngày Người khuyết tật 18/4 này, họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình đã cùng nhóm "Khát vọng ngày mới" thực hiện cuộc triển lãm tranh mang tên "Những mảnh ghép tình yêu" tại Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm lần thứ 2 của nhóm với 27 bức tranh phản ánh về cuộc sống, nghị lực và niềm đam mê hội họa của các thành viên trong nhóm.

“Hội họa không chỉ là thứ ngôn ngữ để gửi gắm tâm sự bản thân mà qua đó mình muốn mọi người hiểu, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với những người khuyết tật như mình” - tâm sự ấy của chị như được rút ra từ sâu thẳm nỗi niềm những giây phút chạnh lòng nào đó từng trải qua.

 Hạnh Quyên - Hoài Anh

Các tin khác
Các đại biểu Ban Chấp hành Hội khóa III tham dự Hội nghị.

YBĐT - Hội Khuyến học tỉnh vừa tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội lần thứ 4 (khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020) và tổ chức Hội nghị giao ban quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2017.

YBĐT - Dù là một xã khó khăn của huyện vùng cao Trạm Tấu, là nơi sinh sống của 417 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu, trong đó có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, song công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT) luôn được xã Pá Hu quan tâm triển khai thực hiện.

Điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Khoa Hồi sức chống độc.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viên Đa khoa tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy cán bộ của 30 khoa, phòng; tăng cường các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh.

Tờ rơi hướng dẫn cách hạn chế bị động vật cắn và phòng chống bệnh dại cho cộng đồng.

YBĐT - Huyện phấn đấu 100% hộ gia đình được cung cấp các kiến thức và cách phòng chống bệnh dại; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được giám sát, hướng dẫn khám, tư vấn và tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại;

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục