Phải có giải pháp kiểm soát chất lượng mô hình đào tạo từ xa
- Cập nhật: Thứ bảy, 22/4/2017 | 7:56:06 AM
"Mặc dù đã triển khai được hơn một thập kỷ qua, nhưng đào tạo từ xa (ĐTTX) ở nước ta vẫn đang ở trong quá trình xây dựng; tiến độ châm, còn nhiều hạn chế, yếu kém dẫn đến chất lượng ĐTTX thấp, kéo theo những định kiến xã hội cho loại hình đào tạo này".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo
|
Đó là đánh giá của Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Lê Văn Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở, Trưởng nhóm chuyên gia khảo sát về ĐTTX đưa ra tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới", do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/4, tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình ĐTTX được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Phương thức đào tạo chính mà các trường đại học áp dụng là phương thức ĐTTX truyền thống (hay còn gọi là đào tạo trực tiếp) và phương thức ĐTTX qua công nghệ trực tuyến (E-Learning).
Hiện nay, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã cấp phép cho 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng cho đến nay chỉ có 17 trường tuyển sinh được. Trong khoảng 3 năm gần đây, quy mô ĐTTX ngày càng giảm sút.
Năm 2012, có 17 trường đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với tổng số là 68.020 chỉ tiêu, quy mô là 161.047 sinh viên theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng toàn quốc). Quy mô sinh viên giảm đáng kể, từ 161.047 sinh viên (tháng 10/2012) giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên (tháng 10/2016).
Trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên theo học các nhóm ngành cụ thể như sau: Kinh doanh - Quản lý: 36%, Khoa học xã hội: 41%, Giáo dục: 15%, Kỹ thuật - Công nghệ: 9%. “ĐTTX của Việt Nam đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Điều đó được thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các trường có ĐTTX trên cả nước giảm rất mạnh nhiều năm liền. Điều này trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới” – ông Lê Văn Thanh chia sẻ.
Đề cập đến rào cản chính dẫn tới những khó khăn, thách thức mà các trường đại học có ĐTTX đang gặp phải hiện nay, ông Lê Văn Thanh cho rằng, Đảng và Chính phủ mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn cho việc phát triển ĐTTX nhưng chưa có kế hoạch hành động cụ thể ở cấp bộ, ngành. Nhiều trường có ĐTTX chưa thực sự đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc nhiều trường tổ chức dạy tập trung tại các địa phương thông qua các trạm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này.
Nhiều trường chưa xem ĐTTX là nhiệm vụ chính trị, là sứ mạng lâu dài của nhà trường mà xem đó như việc làm thêm để tăng nguồn thu cho nhà trường. Bên cạnh đó, quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo dẫn tới chất lượng không đảm bảo, gây quan ngại cho dư luân xã hội.
Một rào cản nữa, theo ông Lê Văn Thanh, đó chính là tâm lý “Không thầy đố mày làm nên”. Nhiều người băn khoăn học từ xa không có thầy dạy trực tiếp thì sao có chất lượng. Hơn nữa trên văn bằng cấp cho người học đã tốt nghiệp cũng thể hiện rõ sinh viên chính quy hay từ xa. Các yếu tố này có ảnh hưởng quan trọng đến nhân thức của xã hội về chất lượng và giá trị mà hình thức đào tạo từ xa mang lại.
“Định kiến đó khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng và văn bằng của loại hình đào tạo này. Một số địa phương, người sử dụng lao động không tuyển dụng những người có bằng ĐTTX. Họ chưa hiểu rằng, “người thầy” trong ĐTTX không chỉ là người thầy trực tiếp mà chính là nguồn cung cấp thông tin và hướng dẫn phương pháp học tập thường xuyên thông qua các phương tiện và công nghệ”- ông Lê Văn Thanh chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: ĐTTX không chỉ riêng ở bậc đại học mà còn ở nhiều bậc học khác. Hình thức ĐTTX kết hợp với hình thức đào tạo truyền thống sẽ tạo nên hiệu quả tốt nhất cho người học. Người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi trên máy tính cá nhân và các thiết bị di động thông minh có kết nối Internet.
Đặc biệt, đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước ta, đây sẽ là bước đi đón đầu, đổi mới đúng hướng hiện đại hóa nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức, kỹ năng thích ứng và hội nhập vào thế giới đang bước tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, nếu không có quan điểm rõ ràng về phương thức đào tạo, chương trình đào tạo thì xã hội chưa thật tin tưởng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, mô hình ĐTTX cần được mở rộng, phát triển mạnh mẽ nhưng phải có giải pháp kiểm soát chất lượng, bởi người học và giáo viên không tương tác trực tiếp với nhau, khó kiểm soát được kết quả, chất lượng đào tạo.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác ĐTTX theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, Bộ trưởng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho việc phát triển loại mô hình đào tạo này. Đặc biệt trong đó, việc kiểm định chất lượng đầu ra và các văn bằng sau khi đào tạo phải được xem xét và đánh giá một cách chặt chẽ, bình đẳng, công khai./.
(Theo ĐCSVN)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 21/4, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) - Công an tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2009 – 2016 và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn mới về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
YBĐT - Lễ khai mạc Năm Du lịch Yên Bái 2017 sẽ được tổ chức vào tối 19/5 tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Lung linh sắc màu Yên Bái”, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Chiều 20-4, tại Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) đã diễn ra lễ khai mạc cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2017. Cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2017 diễn ra trong 4 ngày, từ 20 đến 23-4, với hơn 300 sinh viên của 44 đội tham dự.
Nhằm đảm bảo sự bình đẳng giới của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình; tỷ lệ giới trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt tối thiểu 40%, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch hoạt động công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2017.