Hiệu quả Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh”
- Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2017 | 8:07:00 AM
YBĐT - Được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 và kết thúc năm 2016 vừa qua, Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” (dự án hợp tác giữa Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức và Chính phủ Việt Nam) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong nâng cao chất lượng của hệ thống y tế tuyến tỉnh.
Thăm khám bệnh tại Trung tâm Y tế phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.
|
Trước khi Dự án này được triển khai, nhìn chung, hệ thống y tế tỉnh còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế… đã làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, phòng bệnh và phục vụ chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện và trung tâm y tế.
Môi trường làm việc và điều kiện thực hiện chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ còn hạn chế. Hàng năm, tại các bệnh viện, tỷ lệ chuyển tuyến cao, công suất sử dụng giường bệnh thấp, các kỹ thuật y tế cao chưa thực hiện được đầy đủ.
Công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, nhiều cán bộ là bác sĩ bỏ việc, chuyển đi nơi khác. Sự quan tâm đầu tư cho y tế còn thấp, hệ thống y tế cơ sở (trạm y tế) còn rất khó khăn về mọi mặt. Do đó dịch bệnh, các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, bệnh nội tiết tăng cao ở cộng đồng mà chưa có biện pháp ngăn chặn...
Trong 8 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, tại các bệnh viện chuyên khoa sâu ở Trung ương cho 4.366 lượt cán bộ y tế, đại học và sau đại học là 684 lượt, điều dưỡng là 972, nữ hộ sinh 654 lượt, dược sĩ là 107 lượt… trong đó 362 cán bộ được đào tạo về cấp cứu sản khoa, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa; 36 cán bộ về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh; 160 cán bộ được tập huấn về chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung; 69 cán bộ được đào tạo nâng cao về tiêm phòng vác xin viêm gan B liều sơ sinh…
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp lập kế hoạch, quản lý các chương trình y tế, giám sát phòng chống dịch bệnh, tổ chức các hội thảo lập kế hoạch quản lý nguồn nhân lực cho các bệnh viện và trung tâm y tế…
Đặc biệt, Dự án đã tập trung vào các hoạt động về lập kế hoạch, quản lý chất lượng bệnh viện và nâng cao hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc tại các bệnh viện. Hơn 400 cán bộ điều dưỡng được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý rác thải và quản lý điều dưỡng, sử dụng thuốc an toàn hợp lý…
Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), cán bộ điều phối Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” cho biết: “Hoạt động đào tạo cán bộ của Dự án rất đồng bộ và bài bản. Đào tạo từ cán bộ điều dưỡng đến lãnh đạo bệnh viện, từ chuyên môn đến quản lý, từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, đào tạo từ mở rộng đến chuyên khoa sâu như đào tạo về phẫu thuật nội soi mà từ trước đến khi Dự án thực hiện chưa có cán bộ nào được đào tạo. Chính vì thế mà Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ là một trong những đơn vị triển khai Dự án đã triển khai tốt phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân và đặc biệt là phẫu thuật sọ não, lọc máu ngoài thận, nội soi chẩn đoán… Nhiều bệnh nhân nặng đã được điều trị tại viện”.
Sau 8 năm thực hiện, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường năng lực lập kế hoạch và quản lý của tất cả các tuyến trong hệ thống y tế tỉnh; cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế được lựa chọn, đặc biệt dịch vụ y tế cho phụ nữ, trẻ em tại tỉnh.
Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa cho biết thêm: “Sau khi kết thúc Dự án thì cái được lớn nhất của y tế là năng lực chuyên môn của cán bộ y tế ở các tuyến: tỉnh, huyện, xã đã được nâng lên rõ rệt như là kỹ năng chẩn đoán, xử trí và dự phòng bệnh tật, lập kế hoạch đã tạo nên chất lượng chẩn đoán, điều trị nâng cao, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế được Dự án hỗ trợ. Đó chính là kiến thức vô giá đã được Dự án trang bị cho cán bộ y tế tỉnh, từ đó các đơn vị đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình”.
Hiện tại, các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn duy trì, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc tốt cho người bệnh.
Kết quả cải thiện chất lượng tại các bệnh viện đã góp phần vào nâng cao hiệu quả chăm sóc và phục vụ người bệnh tại bệnh viện; thực hiện thành công nhiều kỹ thuật vượt tuyến như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật khớp háng, lọc máu ngoài thận, nội soi chẩn đoán đường tiêu hóa…
Các hoạt động này đã giúp cho người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị ngay tại bệnh viện, giúp tỷ lệ chuyển tuyến trên giảm 20-30%. Số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện hàng năm đều tăng hơn so với trước đây. Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm trên 100%. Hệ thống công nghệ thông tin được áp dụng để phục vụ công tác quản lý của bệnh viện, do đó đã giảm đáng kể thời gian chờ đợi của bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Tinh thần, thái độ phục vụ cán bộ y tế được cải thiện, cơ sở vật chất khang trang và đủ phòng điều trị… Có thể nói, người dân đã được hưởng lợi về y tế từ các kết quả của Dự án.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Ngày 6/5 (tức 11/4 Âm lịch), chùa Linh Long, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đã tổ chức Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2561 - Dương lịch 2017. .
YBĐT - Sáng 6/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) lần thứ nhất, năm 2017.
Ngày 5/5, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 -15/5/2017) và trao giải thưởng Kim Đồng năm học 2016 – 2017.
YBĐT - Tối 5/5, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Lễ tuyên dương “Thiếu nhi các dân tộc thiểu số”, “Tổng phụ trách Đội tiêu biểu” năm 2017; trao học bổng Vừ A Dính cho 76 em thiếu nhi dân tộc thiểu số tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập.