Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017

Đầu ra cho rau an toàn: Đừng để người nông dân đơn độc!

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/5/2017 | 8:04:31 AM

YênBái - YBĐT - Chị Lê Thị Hạnh ở tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 1, xã Văn Phú cho biết: "Rau an toàn chủ yếu tôi vẫn phải mang ra chợ bán như các loại rau khác ngoài chợ. Như vậy, rau của mình có là rau an toàn thì cũng chẳng có gì để phân biệt được". Đó cũng là tình trạng chung của người sản xuất rau an toàn hiện nay.

Sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc.
Sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc.

Đề án sản xuất rau an toàn (SXRAT) của thành phố Yên Bái được thực hiện từ năm 2016, tại 3 xã Âu Lâu, Tuy Lộc và Văn Phú. Vẫn biết "vạn sự khởi đầu nan" nhưng những khó khăn trong tiêu thụ khi người nông dân đang đơn độc tìm đầu ra cho sản phẩm như trong thời gian qua rất cần được đồng hành tháo gỡ để rau an toàn có chỗ đứng bền vững trên thị trường. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng những người SXRAT ở thành phố Yên Bái.

Tiêu thụ với nhãn mác rau an toàn còn khó

Điều này, nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là thực tế. Để sản xuất ra sản phẩm rau an toàn, các mẫu đất, mẫu nước tại khu vực sản xuất theo Đề án đã được thành phố Yên Bái phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái phân tích, kiểm định.

Các tổ hợp tác (THT) SXRAT tại Âu Lâu, Tuy Lộc và Văn Phú được thành lập. Thành viên các THT được kiểm tra sức khỏe nhằm đảm bảo đủ sức khỏe để tham gia sản xuất. Cơ sở hạ tầng được thiết lập, nhà sơ chế, nhà lưới, nhà vòm được lắp đặt tại các khu vực sản xuất. Người dân được tập huấn về quy trình sản xuất.

Quá trình sản xuất có sự hướng dẫn, giám sát của ngành chuyên môn… Qua sản xuất, kiểm nghiệm, các THT SXRAT đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 

Thế nhưng, việc tiêu thụ sản phẩm có nhãn mác rau an toàn để người tiêu dùng nhận biết là rau an toàn trong thời gian qua của các THT lại không dễ dàng.

Chị Lê Thị Hạnh ở THT SXRAT thôn 1, xã Văn Phú cho biết: "Gia đình tôi tham gia trồng hơn 1 sào rau an toàn nhưng lượng tiêu thụ qua THT rất ít. Chủ yếu là tôi vẫn phải mang ra chợ bán như các loại rau khác ngoài chợ. Như vậy, rau của mình có là rau an toàn thì cũng chẳng có gì để phân biệt được". Đó cũng là tình trạng chung của người SXRAT không chỉ ở Văn Phú mà cả ở Âu Lâu và Tuy Lộc.

Ông Nguyễn Mạnh Huân - Tổ trưởng THT SXRAT thôn Minh Long, xã Tuy Lộc cho biết: "Sản phẩm rau an toàn của chúng tôi với nhãn mác đầy đủ có thể truy xuất nguồn gốc tới tận hộ sản xuất cũng đã có mặt tại một số địa chỉ cung cấp rau an toàn trên địa bàn thành phố. Nhưng lượng tiêu thụ qua kênh này quả thật quá ít ỏi, chỉ vài phần trăm so với sản lượng sản xuất được. Còn lại, người dân vẫn phải tự đi đổ buôn cho người bán lẻ hoặc tự mang ra bán lẻ ngoài thị trường, chấp nhận theo giá của thị trường và đương nhiên chẳng có gì để được phân biệt là rau an toàn cả".

Chỉ khoảng vài phần trăm so với lượng rau sản xuất ra được tiêu thụ qua một số đầu mối thu mua, phân phối rau an toàn cũng là khẳng định của ông Bùi Xuân Trung - Tổ trưởng THT SXRAT thôn 1, xã Văn Phú, còn lại vẫn là người dân mạnh ai nấy bán. THT SXRAT thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu là tổ đầu tiên đi vào sản xuất rau theo Đề án. Đến nay đã là vụ rau thứ ba nhưng việc tiêu thụ sản phẩm cũng không phải là thuận lợi.

Anh Nguyễn Long Giang - Tổ trưởng Tổ SXRAT thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu cho biết: “Ban đầu, chúng tôi tiêu thụ sản phẩm có tem nhãn còn được khoảng 60-70 kg/ ngày, sau giảm xuống còn 20-30 kg/ ngày và giờ thì gần như dừng hẳn vì các cửa hàng, địa điểm phân phối không tiêu thụ được nhiều. Năm 2016 mỗi vụ còn sản xuất 2,4 ha chứ vụ rau 2017 hiện chúng tôi chỉ đang sản xuất 1,2 ha. Bây giờ, mỗi ngày 4 tạ rau sản xuất ra vẫn là tiêu thụ tự do không nhãn mác, không được phân biệt là rau an toàn trên thị trường thôi”.

Câu chuyện về việc tìm kiếm thị trường từ các THT SXRAT cho thấy người trồng rau đã rất cố gắng tự thân vận động tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổ trưởng các tổ SXRAT ở Âu Lâu, Tuy Lộc hay Văn Phú đều cho hay họ đã trực tiếp đi tiếp thị rau ở các địa điểm, cửa hàng bán rau sạch trên địa bàn thành phố, rồi đến tiếp thị tại các bếp ăn của nhiều trường học, công ty, đơn vị, nhà hàng… trên địa bàn nhưng kết quả không được như mong muốn.

Khó khăn là vậy nhưng đến giờ không còn cách nào khác là người trồng rau vẫn phải chủ động, năng động tự thân tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Song, dù người trồng rau có năng động đến đâu thì vẫn sẽ thật khó ở khâu đầu ra cho rau an toàn nếu vẫn chỉ một mình họ đơn độc.

Mong ước của người trồng rau

Nhu cầu về thực phẩm an toàn trong đó có rau xanh rõ ràng là nhu cầu  thực sự rất cao đối với người tiêu dùng, nhất là khi vấn đề “thực phẩm bẩn” đang "nóng" như hiện nay. Vậy, lẽ ra, nếu có được sản phẩm an toàn trên thị trường thì phải được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ. Nhưng thực tế lượng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trong thời gian qua cho thấy người tiêu dùng chưa “mặn mà” với sản phẩm.

Qua một cuộc khảo sát nhỏ với người tiêu dùng của chúng tôi cho thấy trước hết là do tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm rau có nhãn mác rau an toàn của thành phố  được cung cấp tới người tiêu dùng qua một số địa chỉ cửa hàng rải rác trên địa bàn thành phố nhưng sức mua tại các cửa hàng này không nhiều.

Mặc dù thời gian gần đây thường xuyên mua rau tại một số địa chỉ cung cấp rau an toàn nhưng chị Mai Hoa ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái vẫn bày tỏ: "Là người nội trợ trong gia đình không mong gì hơn mua được những sản phẩm an toàn cho sức khỏe gia đình. Vì thế, thời gian qua thấy xuất hiện các cửa hàng ghi là cửa hàng rau an toàn trên địa bàn thì mình tìm đến mua sản phẩm. Cũng thấy sản phẩm có nhãn mác đầy đủ thì thôi tạm gọi là yên tâm đôi chút hơn mua trôi nổi ngoài chợ nhưng nói là tin tưởng tuyệt đối vào sản phẩm thì thực sự là chưa đâu".

Còn chị Phương Lan ở phường Đồng Tâm cũng thật lòng cho biết: "Trước giờ mình cũng vẫn mua rau ngoài chợ, đương nhiên thì cũng chẳng thể yên tâm được rồi. Giờ cũng thấy các cửa hàng ghi là cửa hàng cung cấp rau an toàn nhưng nói thật mình cũng không tin lắm nên vẫn mua rau ngoài chợ thôi".

Nói về lòng tin của người tiêu dùng, Tổ trưởng Tổ SXRAT thôn Đồng Đình cũng bày tỏ: "Người tiêu dùng chưa tin tưởng nên sức mua tại các cửa hàng, địa điểm phân phối sản phẩm yếu, vừa khó cho người kinh doanh vừa khó cho người sản xuất. Sản phẩm làm ra khó có đầu mối tiêu thụ ổn định đúng với chất lượng của sản phẩm cũng ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất".

Sản phẩm rau an toàn trên thị trường thành phố Yên Bái còn chưa được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. (Trong ảnh: Nhân viên cửa hàng Thực phẩm xanh+ giới thiệu sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng).

Tổ trưởng Tổ SXRAT thôn Minh Long cũng chia sẻ: "Các tổ sản xuất của chúng tôi mới đi vào sản xuất, chưa thể nhanh chóng gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu. Vốn dĩ, trước nay chuyện rau sạch, rau bẩn ngoài thị trường cũng đã nhiều nhiêu khê. Để có được lòng tin của người tiêu dùng, đương nhiên trước hết chúng tôi phải làm cho tốt sản phẩm của mình đã. Ngoài chuyện kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm của các cơ quan chức năng thì đầu tiên chúng tôi cũng phải làm ra sản phẩm bằng cái tâm của người sản xuất, bởi chúng tôi quá hiểu mức độ nguy hại của những mớ rau không an toàn là như thế nào. Bản thân tôi đây cũng thực sự muốn được là người sản xuất ra sản phẩm rau sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Nhưng quá trình sản xuất ấy, chúng tôi cần những sự đồng hành của người tiêu dùng để mớ rau của chúng tôi không bị đánh đồng với những mớ rau sản xuất đại trà, để những người sản xuất rau an toàn như chúng tôi có chỗ đứng, có động lực để tiếp tục sản xuất".

Để những người trồng rau an toàn có chỗ đứng, không chỉ cần sự đồng hành của những người tiêu dùng mua lẻ. Hàng ngày, các bếp ăn tập thể của trường học, bệnh viện, các cơ quan, đơn vị, công ty, nhà máy, khu công nghiệp, các nhà hàng… trên địa bàn tỉnh tiêu thụ một lượng rau xanh không hề ít. "Nếu như có các quy định, cơ chế, sự quản lý, kiểm tra bắt buộc và thật chặt chẽ nào đó liên quan đến việc sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ trong đó có rau xanh tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng… thì chắc hẳn sản phẩm của chúng tôi sẽ có cơ hội cạnh tranh. Khi đó, chắc chắn việc sản xuất sẽ còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa chứ không chỉ ở quy mô thế này" - ông Nguyễn Mạnh Huân - Tổ trưởng THT SXRAT thôn Minh Long bày tỏ và đó cũng là mong muốn chung của những người trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố. Mong muốn đó cần có sự vào cuộc, đồng hành của chính quyền, các cơ quan chức năng.

Một sự đồng hành từ nhiều phía sẽ là điều kiện thuận lợi cho người SXRAT hiện nay ở thành phố gỡ khó đầu ra, tạo chỗ đứng và phát triển bền vững, cũng chính là vì sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng. Đó cũng là chuyện không chỉ của riêng người SXRAT ở thành phố Yên Bái mà là của người SXRAT nói chung hiện nay.

Thu Hạnh - Hoài Anh

Các tin khác
Các em học sinh tham quan tại Ngày hội đọc sách năm 2017.

YBĐT - Từ năm học 2008 - 2009, môn Giáo dục quốc phòng đã trở thành bộ môn chính trong kế hoạch giảng dạy hàng năm theo chương trình quốc gia với 35 tiết học/năm và được đánh giá tính điểm như những môn học khác.

Ảnh minh họa - Internet

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 28/6/2017, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tich UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

YBĐT - Ngày 10/5, Thường trực UBND tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo về các nội dung chuẩn bị tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch tỉnh Yên Bái và các hoạt động. Đồng chí Dương Văn Tiến –Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

YBĐT - Ngày 10/5 (tức 15/4 Âm lịch), chùa Tùng Lâm (Ngọc Am), phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã tổ chức Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2561 - Dương lịch 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục