Tỷ lệ lao động Việt có bằng cấp chứng chỉ đào tạo đạt 20,6%

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/5/2017 | 8:39:27 AM

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với nền tảng là công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất.

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng này đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia, trên từng khu vực và toàn cầu.

Trong đó, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng, cung, cầu và cơ cấu lao động.

Bên lề Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội, Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã trao đổi với báo chí về những cơ hội và thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số.

- Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

Tiến sỹ Đào Quang Vinh: Nguồn nhân lực của chúng ta so với các nước trong khu vực hiện vẫn còn khoảng cách nhất định. Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ lao động của Việt Nam đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 20,6%. Như vậy, chúng ta vẫn còn gần 80% lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ, chưa được đào tạo một cách bài bản.

Ngoài ra, lực lượng lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn ở một khía cạnh khác, lao động Việt Nam hầu hết làm việc trong khu vực phi chính thức, sản xuất giản đơn, nhỏ lẻ với quy mô gia đình.

Lao động của Việt Nam phần lớn chưa được qua đào tạo; việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo vẫn còn rất hạn chế so với các nền kinh tế thành viên APEC.

- Theo ông, giải pháp nào là hiệu quả nhất đối với Việt Nam nhằm đối phó với những thách thức về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số?

Tiến sỹ Đào Quang Vinh: Chúng ta cần triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện khác nhau. Thứ nhất, phải đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo. Hiện nay, rất nhiều lao động của Việt Nam dù đã qua đào tạo nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ doanh nghiệp và phải mất thời gian đào tạo lại.

Một số doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật phổ thông; chưa kể đến những chuyên gia đầu ngành hoặc những lao động có thể đảm nhận vị trí quản lý bậc cao.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần được thường xuyên cập nhật kiến thức, được thử nghiệm trên các dây chuyền công nghệ mới, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đổi mới công nghệ thường xuyên. Bên cạnh đó, bản thân người lao động phải có ý thức thường xuyên học tập, rèn luyện tay nghề, nâng cao kiến thức chứ không thể bằng lòng với những bằng cấp, kỹ năng mình đã có.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các trường, các cơ sở đào tạo đổi mới phương thức đào tạo, làm sao gắn được việc đào tạo với thị trường, gắn cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để sản phẩm của đào tạo phục vụ luôn được cho doanh nghiệp.

- Xin ông cho biết sáng kiến của Việt Nam tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số?

Tiến sỹ Đào Quang Vinh: Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một vấn đề mới và tiêu đề này cũng là sáng kiến của Việt Nam.

Thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, các nền kinh tế thành viên trao đổi cùng nhau, chia sẻ bài học kinh nghiệm, vấn đề mà các nền kinh tế thành viên đang gặp phải, qua đó có những đối sách để phát triển nguồn nhân lực.

Vấn đề thứ hai được đưa ra thảo luận là thông tin thị trường lao động nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận với nhau thuận lợi, tiết kiệm thời gian.

Việt Nam cũng đề xuất đến vấn đề về an sinh xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động rất lớn các nhóm yếu thế, nhóm lao động có tay nghề thấp, làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động làm việc trong nhà máy theo dây chuyền…

Nếu các doanh nghiệp ứng dụng các robot, dây chuyền sản xuất tự động thì những lao động làm các công việc trên các dây chuyền lắp ráp sẽ bị thất nghiệp. Bên cạnh đó, một số công việc và phương thức làm việc mới như việc làm bán thời gian, việc làm di động… tăng lên.

Do đó, các nền kinh tế thành viên APEC cần bàn thảo những giải pháp về an sinh xã hội đối với những vấn đề này.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Bà Hoàng Thị Chanh – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội.

YBĐT - Chiều ngày 12/5, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức Đại hội Công đoàn cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Đây là đại hội điểm công đoàn cơ sở của Công đoàn Viên chức tỉnh.

Những con đường bê tông sạch đẹp được xây dựng nhờ nỗ lực và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hát Lừu.

YBĐT- Nỗ lực chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe, tôn trọng nhân dân, tận tụy trong công việc… Đó cũng chính là một trong những nội dung thiết thực được Đảng bộ xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đề ra trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05.

Các thí sinh trao đổi sau giờ thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

YBĐT - Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017 đang đến gần. Điểm đổi mới lớn nhất của kỳ thi năm nay là mỗi tỉnh tổ chức 1 hội đồng thi cho cả xét tốt nghiệp THPT và xét đại học, cao đẳng. Với tính chất quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia, các địa phương trong tỉnh đã cùng vào cuộc và tập trung tối đa cho kỳ thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục