Giúp lao động nông thôn Yên Bái có nghề

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/6/2017 | 8:15:36 AM

YBĐT - Sau khi được đào tạo nghề từ Đề án 1956, đã có trên 33.300 lao động nông thôn có việc làm, đạt 88%.

Lớp học nghề gia công thiết kế sản phẩm mộc tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.  (Ảnh: Phong Sơn)
Lớp học nghề gia công thiết kế sản phẩm mộc tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Phong Sơn)

Nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn (LĐNT), đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).

Sau 7 năm thực hiện, với những hoạt động thiết thực, Đề án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng LĐNT, nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2010 - 2016, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp, thu hút trên 37.900 LĐNT tham gia học nghề. Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trên 25.200 người, chiếm 67%, lĩnh vực phi nông nghiệp là trên 12.600 người, chiếm 33%.

Đặc biệt, trong tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề, đã có trên 28.200 người thuộc đối tượng ưu tiên như người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người bị thu hồi đất, người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo.

Sau khi được đào tạo nghề từ Đề án, đã có trên 33.300 LĐNT có việc làm, đạt 88%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp trên 22.700 người, lĩnh vực phi nông nghiệp trên 10.500 người. Ở các địa phương như: thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Mù Cang Chải có từ 84 - 87% LĐNT có việc làm sau khi học nghề.

Đáng chú ý, tỷ lệ này đạt 94,36% tại huyện Trấn Yên và với một huyện khó khăn nhất nhì tỉnh Yên Bái như Trạm Tấu, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề lên tới 94%. Sau khi được đào tạo học nghề, có 87,6% lao động nông thôn tự tạo việc làm cho bản thân, 11,3% lao động được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm.

Trong việc triển khai thực hiện Đề án, đã có nhiều mô hình, cá nhân điển hình được duy trì có hiệu quả như: sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái; chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Văn Yên; chạm khắc đá ở huyện Văn Chấn; du lịch cộng đồng Homestay tại thị xã Nghĩa Lộ...

Những thành quả thu được từ Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng LĐNT cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh cuối năm 2016 đạt 47,5%. Đặc biệt, dạy nghề đã có đóng góp quan trọng trong tạo việc làm cho trên 17.000 lao động mỗi năm của tỉnh Yên Bái.

Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh khẳng định, Đề án 1956 đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong những năm qua. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng, kinh tế suy giảm thì những cơ chế của Đề án tạo ra đã giúp doanh nghiệp thu hút lao động; đồng thời, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động của LĐNT đã được nâng cao.

Có được kết quả trên là nhờ sự triển khai công tác thông tin, tuyên truyền dạy nghề đồng bộ, sâu rộng và đa dạng dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Qua đó, nâng cao nhận thức của xã hội và người dân về học nghề, phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ dạy nghề cho LĐNT.

Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển. Tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thành phố.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị các cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. Quy mô đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng tăng, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng gắn với nhu cầu của người học, nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua cũng bộc lộ những khó khăn, yếu kém cần được đổi mới khắc phục.

Chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề, ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Khó khăn chủ yếu của huyện trong đào tạo nghề cho LĐNT là trình độ nhận thức của người dân còn thấp, người tham gia đào tạo, học nghề chủ yếu là lao động chính trong gia đình nên việc duy trì chuyên cần còn chưa cao. LĐNT tham gia học nghề đa phần là người dân tộc thiểu số nên còn có tâm lý ngại học, đi làm xa nhà, kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, một số lớp đào tạo nghề như nghề sửa chữa nông cụ chưa hiệu quả và phù hợp với tình hình địa phương".

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cũng cho biết: "Trong việc đào tạo nghề, nhà trường chủ yếu đào tạo nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2016, tham gia Đề án, nhà trường đã mở 74 lớp với trên 2.900 học viên tham gia. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai Đề án, nhiều lao động thực sự có nhu cầu đã được đào tạo nghề; một số LĐNT chưa thực sự tích cực tham gia học nghề; một bộ phận người lao động còn thờ ơ, ngại tham gia học nghề. Do đó, công tác tuyển sinh và đạo tạo nghề của nhà trường còn gặp khó khăn... Cùng với đó, nhận thức về nghề một bộ phận lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ chưa sâu, chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho LĐNT, dẫn đến thiếu sâu sát trong tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".

Đây không chỉ là khó khăn riêng của huyện Văn Yên hay Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, mà là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai thực hiện Đề án 1956. Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề của tỉnh trong một số năm còn chậm, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện của các địa phương. Nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm cũng thấp hơn so với kế hoạch, chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa để phát triển dạy nghề. Việc thực hiện thủ tục cấp, phát kinh phí chậm, vì thế cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ mở lớp của cơ sở đào tạo.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, trong giai đoạn tiếp theo, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn về pháp luật dạy nghề.

Đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề, phối hợp với các doanh nghiệp về nhu cầu lao động triển khai đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động, giải quyết việc làm cho LĐNT có thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động tự học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2020, đào tạo nghề cho 36.000 LĐNT. Trong đó, hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và trung cấp đào tạo dưới 3 tháng cho 18.000 người, lĩnh vực nông nghiệp là 9.900 người và 8.100 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 nhấn mạnh: "Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã phải có sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án. Các cơ sở đào tạo nghề chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường thực hành nghề, gắn với cơ sở sản xuất. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và nguồn lực của tỉnh. Từ đó, xác định loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó ưu tiên đào tạo nghề phi nông nghiệp. Về đối tượng đào tạo, ưu tiên người nghèo, người yếu thế, người khuyết tật, phụ nữ...".

So với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Đề án, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT hiện tại có sự điều chỉnh tăng lên. Đối với các nghề kỹ thuật, tăng từ 1,5 triệu đồng/người/khóa học lên thành 2 triệu đồng/người/khóa học (tăng 33%); đối với các nghề nông nghiệp tăng từ 820 nghìn đồng/người/ khóa học lên thành 840 nghìn đồng/người/khóa học (thời gian đào tạo được điều chỉnh từ 1,5 tháng xuống còn 1 tháng).

Lê Thương

Các tin khác
Cán bộ, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trả lời kiến nghị của ông Phạm Hồng Thái (bên phải).

YBĐT - Căn cứ nội dung đơn khiếu nại của ông Phạm Hồng Thái ở thôn Lãng Nội, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình về việc ông đòi bồi thường oan sai và xin lỗi công khai tại nơi cư trú do bị oan, vừa qua, tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, lãnh đạo TAND tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức buổi làm việc để đối thoại làm rõ và giải quyết yêu cầu của ông Phạm Hồng Thái dưới sự có mặt của các cơ quan thông tấn báo chí.

Các cựu chiến binh Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh trao đổi  về công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước với đoàn viên thanh niên.

YBĐT - Họ là những con người đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, không ít người kinh qua những cuộc chiến tàn khốc, đối mặt với hiểm nguy. Giải ngũ, họ trở về chung sức xây dựng quê hương, đất nước với khí chất của người lính Cụ Hồ.

3 đối tượng đã bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam.

Ngày 22/6, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 3 đối tượng có liên quan đến sự cố y khoa tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

YBĐT – Như tin đã đưa, đến hết ngày 22/6, trên 6.880 thí sinh của tỉnh Yên Bái đã hoàn thành ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ văn và Toán.

>>> Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại Yên Bái: Đề Văn vừa sức

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục