Cuộc chiến nhiều cam go
- Cập nhật: Thứ hai, 17/7/2017 | 10:41:10 AM
YBĐT - Thủ đoạn phổ biến của nhiều chủ sử dụng lao động bên kia biên giới là nhận người lao động của ta vào làm việc tại các công trường, nông trại; làm việc rất vất vả nhưng giới chủ nợ lương. Khi món nợ đã lên kha khá, chúng báo công an Trung Quốc đến bắt người vì vượt biên và lao động trái phép. Người dân mình bị tống giam, rồi bị trục xuất về nước theo quy định. Vậy là bọn chúng quỵt luôn tiền lương, tiền công.
Cán bộ Phòng An ninh điều tra triển khai nhiệm vụ.
|
Tiếp chúng tôi vào một buổi chiều tháng 7, Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh tâm sự: “Các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia rất khó phát hiện, đấu tranh và bắt giữ. Thành tích đã đạt được của anh em chúng tôi trong thời gian qua có được là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Ban Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh và sự phối hợp của các đơn vị bạn, nhất là sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài còn cam go lắm, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị”.
Tham gia tuyên truyền về lĩnh vực an ninh trật tự, tôi hiểu sự khó khăn, vất vả của lực lượng an ninh điều tra và càng khâm phục hơn chiến công mà những chiến sỹ an ninh đã đạt được thời gian vừa qua như những vụ: mua bán tiền giả, chiếm đoạt chất nổ, đặc biệt là đấu tranh, phòng chống tội phạm “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” - một loại hình tội phạm đã và đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và công tác đấu tranh rất khó.
Bà con mình còn nghèo, nhiều người lại thiếu hiểu biết, mong muốn có được việc làm và thu nhập khá là rất chính đáng. Lợi dụng tình hình ấy, bọn tội phạm, chủ yếu là người Việt Nam, đang sinh sống, làm ăn ở Trung Quốc, phối hợp với những ông chủ người Trung Quốc về Việt Nam dụ dỗ người lao động trốn sang Trung Quốc lao động, sinh sống trái phép.
Thủ đoạn của chúng thường là chọn thời điểm lúc nông nhàn, nhất là dịp tháng Giêng khi người dân thiếu việc làm, bí tiền bạc… chúng về các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân qua Trung Quốc làm việc với những viễn cảnh hết sức “tươi sáng” như: lao động thủ công, đơn giản, dễ làm, ăn ở đầy đủ và có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người qua Trung Quốc làm việc, chỉ cần nộp từ 3 đến 5 triệu đồng tiền phí, sẽ có ô tô đưa đón sang tận nơi làm việc, thủ tục, giấy tờ bọn chúng lo cho hết; không ít kẻ còn tạo vỏ bọc là những người có cuộc sống khấm khá để dễ bề lôi kéo đồng bào.
Với cách thức kể trên, bọn tội phạm đã lôi kéo được không ít người nhẹ dạ, cả tin ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình… Đi theo chúng là sa chân vào thiên la địa võng, là chấp nhận cuộc sống cùng cực, bị ăn quỵt tiền, có cả những người đi theo chúng là biệt vô âm tín, chẳng biết sinh mạng hiện giờ ra sao.
Trung tá Trần Ngọc Ninh - Đội trưởng Đội Án, Phòng An ninh điều tra thốt lên: “Xót xa lắm anh ạ! Nhiều người đi mười mấy năm nay chưa có tin tức gì, cha mẹ, vợ con ở nhà khóc hết nước mắt; mỗi lần nghe chuyện bắt cóc, mổ lấy nội tạng là quặn đau trong lòng. Thủ đoạn phổ biến của nhiều chủ sử dụng lao động bên kia biên giới là nhận người lao động của ta vào làm việc tại các công trường, nông trại; làm việc rất vất vả nhưng giới chủ nợ lương. Khi món nợ đã lên kha khá, chúng báo công an Trung Quốc đến bắt người vì vượt biên và lao động trái phép. Người dân mình bị tống giam, rồi bị trục xuất về nước theo quy định. Vậy là bọn chúng quỵt luôn tiền lương, tiền công”.
Song song với việc tham mưu giúp Ban Giám đốc Công an tỉnh, chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và công an các huyện, thị trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm; tăng cường công tác nắm tình hình nhằm phòng ngừa có hiệu quả với những hành vi phạm tội…, lực lượng an ninh điều tra Công an tỉnh còn thực hiện điều tra, bắt giữ nhiều vụ, nhiều đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài ở các xã: Tân Nguyên (Yên Bình); An Bình, Phong Dụ Hạ (Văn Yên); Hồng Ca (Trấn Yên)… với những tên tội phạm Hứa Văn Lành, Đồng Thị Lệ… Vụ án Triệu Đức Cường, sinh năm 1979, trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn đã 3 lần tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là một vụ án điển hình. Tháng 2/2013, Cường biết tin Đinh Thị Thư ở xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn hiện đang sống ở Trung Quốc cần tìm người làm thuê. Cường đã liên hệ với Thư để sang chỗ Thư làm việc.
Tại đó, Thư đã đề nghị Cường về quê tuyển người đưa sang Trung Quốc. Mỗi người sang, Thư sẽ trả cho Cường 100 nghìn đồng. Thấy có lợi, tháng 6/2013, Triệu Đức Cường đã tổ chức đưa 24 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (trong đó, có 22 người xã Phù Nham, 2 người xã Thanh Lương). Tháng 7/2013, Cường tiếp tục vận động 10 người thuộc 2 xã nói trên sang Trung Quốc và lần thứ 3, Triệu Đức Cường tiếp tục vận động, lôi kéo 8 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sau khi nhận được tin báo của Công an xã Phù Nham về hành vi của Triệu Đức Cường, ngày 19/2/2016, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Triệu Đức Cường. Quá trình điều tra cho thấy, có đủ tài liệu chứng minh hành vi phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự, bản thân Cường đã thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Thượng tá Trần Ngọc Tuấn tâm sự: “Cái khó trong công tác đấu tranh với tội phạm “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” là bản thân nạn nhân không tố giác tội phạm; đồng phạm và nạn nhân đều có nhận thức rất thấp, chủ mưu thì tinh vi, xảo quyệt, sống ở bên kia biên giới, trong khi Thỏa thuận Hợp tác về an ninh giữa Việt Nam và Trung Quốc không có điều khoản về loại tội phạm này. Khó khăn là rất lớn nhưng anh em phải tận tâm, tận lực bởi hậu quả của loại tội phạm này là không thể lường hết. Qua Báo Yên Bái, chúng tôi mong muốn người dân đề cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu, không mắc bẫy tội phạm, tuyệt đối không xuất cảnh trái phép”.
Ngoài hiên, nắng đã bớt gắt nhưng không khí vẫn còn oi bức. Những giọt mồ hôi lăn trên trán những chiến sỹ an ninh điều tra đang thảo luận biện pháp đánh án. Cuộc chiến đấu với tội phạm về an ninh quốc gia bao giờ cũng thầm lặng và cam go. Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn tin tưởng và ghi nhận những chiến công của người chiến sỹ an ninh.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tùy từng ngành, nghề mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua của tổ chức công đoàn mình cho phù hợp, thiết thực.
Tối 16/7, tại Nhà Thiếu nhi TP.Đà Nẵng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức Vòng Chung kết toàn quốc và Trao giải Hội thi “Olympic Tiếng Anh sinh viên toàn quốc” lần thứ I- năm 2017.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính tới tháng Sáu, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động.
Tâm bão số 2 đã đi vào đất liền Nghệ An - Hà Tĩnh. Trong quá trình đổ bộ, hoàn lưu bão đã gây gió mạnh nhiều nơi, kèm theo mưa xối xả.