Bộ Giáo dục- Đào tạo đã lường trước để tránh nguy cơ “vỡ trận” tuyển sinh đại học
- Cập nhật: Thứ ba, 18/7/2017 | 10:26:02 AM
Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã chuẩn bị tốt về hạ tầng công nghệ thông tin để tránh nguy cơ “vỡ trận” trong tuyển sinh đại học.
Thí sinh không nên thay đổi nguyện vọng trong ngày cuối cùng xét tuyển đại học (ảnh minh họa).
|
Quy chế tuyển sinh ĐH năm nay có điểm mới là thí sinh được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Với quy chế mới này, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như hỗ trợ các trường lọc được thí sinh ảo cũng như tránh nguy cơ “vỡ trận” khi thí sinh dồn vào ngày cuối cùng mới đăng ký xét tuyển hay thay đổi nguyện vọng
Phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT).
PV: Thưa bà, năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định tăng mức điểm sàn lên 15,5 điểm sẽ có tác động đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Để quyết định mức điểm sàn, Bộ GD-ĐT phải dựa trên nhiều căn cứ như: phổ điểm thí sinh đạt được, yêu cầu đảm bảo chất lượng “đầu vào” ở mức tối thiểu, số lượng thí sinh tương quan, dịch chuyển giữa các vùng miền...
Việc Bộ GD-ĐT quyết định mức điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái 0,5 điểm còn do cách thi năm nay thay đổi nên đã tác động đến mặt bằng điểm chung. Với những yếu tố trên, Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đã quyết định tăng mức điểm sàn năm 2017 lên thành 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm).
Mức điểm sàn năm nay có thể không ảnh hưởng đến các trường tốp tên nhưng sẽ có tác động đến các trường ĐH tốp giữa, tốp thấp hơn có những ngành chỉ lấy thí sinh với số điểm bằng điểm sàn. Do vậy, nguồn tuyển của những trường này phụ thuộc vào việc các trường tuyển được nhiều hay ít thí sinh.
Tuy nhiên, vấn đề bỏ hay không bỏ điểm sàn cũng như xác định mức điểm sàn như thế nào đều được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Năm 2017 là năm đầu tiên phân biệt rất rõ giữa 2 hệ giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, còn có cả nguồn tuyển cho cả hệ Cao đẳng sư phạm – nơi đào tạo ra những thầy cô giáo để giảng dạy cho những bậc đầu cấp như: Mầm non, Tiểu học, THCS.
Khi bàn đến điểm sàn thì Hội đồng điểm sàn cũng thảo luận rất kỹ về nguồn tuyển cho giáo dục nghề nghiệp như thế nào để hài hòa cho cả hệ thống để tất cả các hệ giáo dục được hưởng lợi ích từ mức điểm sàn đó.
Thí sinh không nên dồn vào ngày cuối cùng mới thay đổi nguyện vọng
PV: Thưa bà, Bộ GD-ĐT có lường trước tình huống thí sinh dồn vào ngày cuối cùng mới thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH như năm 2015?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ GD-ĐT đã lường trước được sự việc trên. Vì vậy, Bộ đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền cho các thí sinh là nên suy nghĩ chín chắn, thấu đáo khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH. Nếu đã cân nhắc kỹ lưỡng thì các em nên thực hiện công việc thay đổi nguyện vọng ngay, không nên để đến ngày cuối cùng vì nếu có trục trặc gì thì không còn thời gian xử lý.
Về mặt kỹ thuật, Bộ GD-ĐT cùng với các trường ĐH, CĐ đã chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, băng thông, đường truyền đủ rộng lớn để phục vụ thí sinh trong suốt thời gian điều chỉnh nguyện vọng.
Về mặt quy chế, Bộ cũng quy định là thí sinh nào đăng ký xét tuyển trực tuyến thì sẽ được thực hiện từ ngày 15 đến 21/7. Nếu như đến ngày 21/7, thí sinh có gặp trục trặc gì thì sẽ có thêm 2 ngày dự phòng là ngày 22 và 23/7 để đăng ký xét tuyển bằng phiếu và gửi đến các điểm tiếp nhận. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh có thể thay đổi được nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo như mong muốn của mình.
PV: Xin bà cho biết phương án tuyển sinh năm nay có tác động như thế nào đến thí sinh và Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp gì để sàng lọc thí sinh ảo?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Năm nay, các trường ĐH, CĐ được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Các trường cũng phải dựa trên yêu cầu của ngành học, điều kiện tuyển sinh của năm nay để xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với trường mình và phù hợp với quy định chung.
Ngoài ra, năm nay, thí sinh có quyền đăng ký các nguyện vọng xét tuyển cùng với lúc đăng ký dự thi. Sắp tới đây (từ ngày 15/7 đến 23/8), thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng dựa trên mức điểm thi THPT Quốc gia đã đạt được. Sau khi chốt dữ liệu thí sinh thay đổi nguyện vọng, các trường ĐH sẽ xét tuyển độc lập.
Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay còn ở chỗ là các trường được tự chủ ở mức độ cao nên ở miền Bắc và miền Nam đều hình thành nhóm trường với trên 50 trường ĐH tham gia. Thông qua nhóm xét tuyển này, các trường sẽ hỗ trợ nhau sàng lọc thí sinh ảo khi mà năm nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng không giới hạn và sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của mình. Căn cứ vào nguyện vọng đã đăng ký và số điểm đạt được, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Như vậy, quyền lợi của thí sinh được đảm bảo ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của thí sinh thì các trường ĐH, CĐ sẽ gặp một số khó khăn khi chưa đủ kinh nghiệm để kiểm soát thí sinh ảo.
Để công tác tuyển sinh được thuận lợi, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, kỹ thuật, phần mềm lọc ảo. Sau khi các nhóm hỗ trợ nhau ở từng vùng miền thì cả hệ thống sẽ cùng sử dụng phần mềm lọc ảo hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, cùng với những quy định thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất cũng như việc hỗ trợ sàng lọc thí sinh ảo của Bộ GD-ĐT thì các trường có thể sàng lọc được số lượng thí sinh ảo một cách khoa học, dễ dàng hơn.
PV: Xin cảm ơn bà!
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Từ đêm hôm qua (17/7) đến sáng nay 18/7, nước sông Hồng (đoạn chảy qua thành phố Yên Bái) tiếp tục dâng cao. Vào thời điểm 8 giờ sáng nay, nước đã ngập úng nhiều điểm trên đường Thanh Niên (phường Hồng Hà), có nơi ngập sâu 1,5m.
YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 những ngày qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài; gây lũ ống, lũ quét và ngập lụt nhiều diện tích hoa màu; ách tắc giao thông, sạt lở đất và một người dân bị lũ cuốn trôi.
Hôm nay (18/7), do ảnh hưởng của vùng áp thấp (suy yếu từ bão số 2) hôm qua đến sáng nay, các khu vực trong tỉnh có mưa, mưa vừa có nơi mưa to và dông.
YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ Việt – Lào luôn trường tồn và ngày càng gắn bó keo sơn, bền vững, được hun đúc bằng công sức và sự hi sinh xương máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ và nhân dân hai nước.