Bác sỹ Lê Thị Hồng Vân – Phó giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: "Chúng tôi tin tưởng vào sự chủ động, tích cực của Trung tâm y tế Mù Cang Chải; tuy nhiên, trước hậu quả nặng nề của trận lũ, hơn nữa chưa thể lường hết mức độ thiệt hại nên 01 kíp cấp cứu là cần thiết; công tác chuẩn bị khác vẫn sẵn sàng”.
7 giờ 30 phút, sáng ngày 3/8, kíp cấp cứu gồm 1 bác sỹ chấn thương, 2 điều dưỡng và một lái xe lên đường; trên xe cứu thương cùng nhiều thiết bị và thuốc men khác.
Điều dưỡng Phùng Thị Hồng Nhung tham gia kíp cấp cứu cho biết: "Biết là sẽ vất vả, có thể là nguy hiểm nữa nhưng ai cũng sẵn sàng. Quốc lộ 32 chìm trong mưa lớn, xe vun vút lao đi. Đoạn đường từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải vốn quanh co, đèo dốc xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nên hơn 2 tiếng chúng tôi mới lên được tới Mù Cang Chải. Cảnh tượng phố núi, nhất là dòng Nậm Kim cuồn cuộn chảy nhìn khá ghê sợ. Anh em vào thẳng Bệnh viện huyện và được biết, nhiều người bị thương nhẹ được sơ cứu đã vội về lo nhà cửa; 3 bệnh nhân nặng đang được tiếp tục điều trị gồm: Lý Thị Của, sinh năm 1949, ở Dế Xu Phình, bị bỏng độ 3, độ 4 ở cẳng chân; bệnh nhân Háng Thị Dủa, sinh năm 2003 bị gãy phức tạp xương cẳng chân phải và một bệnh nhân nữa bị gãy xương đòn. Sau khi cùng các cán bộ của Trung tâm Y tế Mù cang Chải sơ cứu và hội chẩn, quyết định: đưa nạn nhân bị bỏng về Nghĩa Lộ điều trị, hai bệnh nhân gãy xương được chỉ định phẫu thuật tại Mù Cang Chải. Thông tin ban đầu cho biết, các cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
Xác định rõ, sau lũ lụt, việc kiểm soát bệnh tật, vệ sinh môi trường là rất quan trọng; Sở Y tế đã cử lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lên giám sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ như vệ sinh môi trường, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường và an toàn thực phẩm. Sở Y tế đã quyết định cấp bổ sung thuốc, vật tư, hóa chất gồm: cơ số thuốc, bộ dụng cụ cấp cứu, Cloramin B... cho Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải để hỗ trợ cấp cứu nạn nhân và phun thanh khiết môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt...
Báo cáo ban đầu cho biết, thuốc và trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng cho khắc phục hậu quả mưa lũ hiện có tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải (kể cả nguồn vừa hỗ trợ từ Sở Y tế) gồm: 03 cơ số thuốc, 100 kg Cloramin B, Aquatab 50. 000 viên; dung dịch sát khuẩn nhanh 50 lít, ủng cao su: 6 đôi cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt.
Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế Mù Cang Chải và các đơn vị khác trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế và báo cáo kịp thời tình hình diễn biến mưa lũ về Sở Y tế; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đánh giá bước đầu cho thấy, phản ứng trước thiên tai của ngành y tế là rất kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước tính mạng và sức khỏe của nhân dân;. Tuy nhiên, nhiệm vụ phòng dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường những ngày tới đây ở Mù Cang Chải đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu và trách nhiệm cao của đội ngũ y tế; đặc biệt trong điều kiện đi lại khó khăn, đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí lạc hậu...
Khó khăn là rất lớn nhưng cán bộ y tế luôn nhiệt tình và đầy tinh thần trách nhiệm trước tình mạng và sức khỏe của nhân dân, dù nhiều gia đình cán bộ y tế và thân nhân của họ chịu thiệt hại do mưa lũ.
Lê Phiên