Giảm 10-15% giá thuốc thuộc danh mục chi trả bảo hiểm bằng đấu thầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/8/2017 | 9:13:37 AM

Tại cuộc họp về việc thực hiện thí điểm đấu thầu tập trung thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, không thuộc danh mục năm hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức chiều 16/8,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các cơ quan Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong tổ chức đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế.

Ảnh chỉ có tính minh họa.
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Việc đấu thầu này nhằm kéo giảm giá thuốc từ 10-15% so với hiện hành, nhất là các loại thuốc biệt dược đã hết bản quyền công nghệ.

Theo quy định tại Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện công việc này.

Tháng 7/2017, Bộ Y tế đã gửi công văn thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn các địa phương tập hợp nhu cầu sử dụng thuốc để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hoàn thành quy trình đấu thầu... để thực hiện mua sắm theo kết quả lựa chọn nhà thầu từ ngày 1/1/2018.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cho biết, liên quan đến việc đấu thầu các biệt dược đã hết bản quyền công nghệ,  Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp để đấu thầu khoảng 100 biệt dược gốc để hạ giá loại thuốc vốn đang có giá rất cao trên thị trường.

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng chi phí của 100 thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền này là 2.024 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic Nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng (khoảng 25%).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm giảm từ 10-15% giá thuốc sau khi đấu thầu thuốc do bảo hiểm y tế chi trả so với giá hiện nay. Thực hiện việc này, không chỉ giảm giá các loại thuốc biệt dược đã hết bản quyền công nghệ, làm tăng tính an toàn cho Quỹ Bảo hiểm y tế mà người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Y tế phải thống nhất hành động để từ ngày 1/1/2018 có thể thí điểm được đấu thầu thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Bộ Y tế phối hợp hướng dẫn và mở rộng các hình thức đấu thầu thuốc để có tính cạnh tranh cao hơn, kiểm soát chặt chẽ đấu thầu thuốc, thiết bị y tế tại các địa phương đã từng được Kiểm toán nhà nước chỉ ra các sai phạm trong đấu thầu trước đây.

Bên cạnh việc thúc giục các cơ quan bảo đảm thời gian tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc tập trung dùng trong bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường rà soát chính sách, thể chế quản lý bảo hiểm y tế khi lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.

"Luật bảo hiểm y tế chỉ quy định thực hiện phục vụ cho lĩnh vực khám chữa bệnh mà các Nghị định hướng dẫn lại mở rộng diện được bảo hiểm sang cả lĩnh vực y tế dự phòng, tầm soát bệnh, gây ảnh hưởng tới khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, của người dân, doanh nghiệp. Thêm vào đó, thực hiện sai nguyên lý của bảo hiểm y tế là có đóng có hưởng, hưởng tương đương với mức đóng, gây mất công bằng trong thụ hưởng chính sách,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại: "Khả năng với tình hình này thì tới năm 2020 mất cân đối 100.000 tỷ đồng, kể cả đã sử dụng dư nợ của Quỹ cho tới hết năm 2015 là 45.000 tỷ đồng”.

Nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thể chế pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm y tế chưa hoàn thiện và hai cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng đề nghị hai cơ quan rà soát, bổ sung lại cơ chế phối hợp. Bộ Y tế báo cáo tổng quát rà soát toàn bộ việc thực thi, triển khai Luật Bảo hiểm y tế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; kiến nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán hoạt động chính sách bảo hiểm y tế.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để chống trục lợi từ chính sách bảo hiểm y tế theo nghị quyết của Chính phủ.
 
(Theo TTXVN)

Các tin khác
Mưa lũ tại Sơn La.

Sau lũ, nước sạch khan hiếm, môi trường ô nhiễm... nên dịch bệnh rất dễ phát sinh. Dưới đây là những khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh mà người dân vùng lũ cần lưu ý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với hiệu trưởng các trường Sư phạm về nâng cao chất lượng của ngành.

Năm 2018 không còn điểm sàn xét tuyển đại học, nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm, Bộ Giáo dục  -Đào tạo sẽ quy định riêng.

Cán bộ y tế xã Châu Quế Hạ hướng dẫn người dân ngâm tẩm màn chống muỗi.

YBĐT - Châu Quế Hạ là một trong những xã vùng cao của huyện Văn Yên, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Nhờ tấm lòng nhiệt huyết, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã mà bà con đã tin tưởng thường xuyên đến thăm, khám sức khoẻ, nghe tuyên truyền vận động cùng giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong gia đình và cộng đồng.

YBĐT - Trong 7 tháng qua, nước ta đã có trên 80.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 24 người tử vong, trong đó có 69.085 trường hợp nhập viện. Số ca mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực miền Bắc tăng cao, tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Hiện, 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục