Công điện triển khai ứng phó với cơn bão số 6

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/8/2017 | 8:51:52 AM

Ngày 23/8, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Công điện số 1262/CĐ-TTg yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai ứng phó bão, mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6.

Công điện gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình; Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

Nội dung công điện như sau:

Bão số 6 (tên quốc tế là HATO) là cơn bão rất mạnh, đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, dự báo bão có thể gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10 trên Vịnh Bắc Bộ, gió cấp 6, giật cấp 8 trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng; hoàn lưu bão có thể gây mưa vừa, mưa to tại Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau: kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hoặc bị ngập sâu khi mưa lớn để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng, công trình xây dựng trên địa bàn; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn; chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng các đô thị, khu dân cư và bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão, lũ.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, hồ đập thủy điện và hệ thống điện.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông vận tải thủy.

5. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão, mưa lũ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến bão, lũ, dự báo, chỉ đạo ứng phó với bão, lũ để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

8. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão theo quy định.

9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
 
(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác
Lũ quét xảy ra đột ngột tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái gây thiệt hại lớn về người và của.

Bão số 6 dù đã yếu đi nhưng vẫn đang hướng sự dịch chuyển về gần vùng núi miền Bắc nước ta. Mưa lớn dự báo vẫn tiếp diễn, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Cán bộ dân số xã Suối Bu tư vấn kiến thức DS-KHHGĐ cho phụ nữ.

YBĐT - Cách đây hơn 5 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã Suối Bu luôn ở mức báo động - trên 20% thì đến nay đã giảm còn 13,8%.

Trường TH&THCS Hợp Minh được xây dựng mới 4 phòng học bộ môn phục vụ năm học mới.

YBĐT - Năm học 2017 - 2018, thành phố Yên Bái có 40 trường với quy mô 623 nhóm, lớp và trên 20.700 học sinh. 

YBĐT – Vào hồi 17 giờ ngày 23/8, do ảnh hưởng hoàn lưu trước cơn bão số 6, trên địa bàn huyện Yên Bình xảy ra mưa to đến rất to kèm theo sấm sét. Sét đánh gây tử vong bà Lý Thị Chiếu, sinh năm 1965, dân tộc Tày ở thôn Lạnh 1, xã Cảm Nhân  khi bà đang trên đường đi thả trâu về.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục