Năm 1995, gần như cả thôn đã di cư vào Thanh Hóa, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Còn lại vài hộ quyết tâm ở lại, trong đó có ông Giàng A Cu, sau này cũng là người bí thư chi bộ đầu tiên của Pín Pé. Ông Cu đã nhiều lần vào Thanh Hóa vận động bà con trở về quê cũ.
Ông tâm sự: "Lúc đó hơn 30 hộ dân di cư vào Thanh Hóa cuộc sống còn cơ cực hơn nhiều so với ở Pín Pé, nhà cửa chỉ là những túp lều dựng tạm không che nổi nắng, mưa, đất sản xuất không có quanh năm thiếu đói. Nhiều lần vào vận động, bà con dần thấu hiểu trở về, đến nay Pín Pé đã có 86 hộ dân với 563 khẩu”.
Những năm qua, được sự đầu tư từ các chương trình: 134, 135, 167… dành cho những thôn, bản, xã vùng cao đặc biệt khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng của Pín Pé từng bước được hoàn thiện. Các công trình thủy lợi được xây dựng, góp phần mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh đã được dẫn tới các điểm dân cư. Hệ thống đường giao thông đã và đang được nâng cấp, tạo điều kiện để nhân dân đi lại và trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn. Nhờ đó, đã giúp cho người dân nơi đây có điều kiện lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bởi họ vốn là những người dân cần cù, chăm chỉ, luôn cố gắng lao động sản xuất để có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.
Pín Pé đã có 11 ha lúa nước sản xuất 2 vụ, đặc biệt năng suất lúa đạt 5 tấn/ha không hề kém so với ở vùng thấp. Người dân Pín Pé còn trên 50 ha rừng trồng, 15 ha chè, nuôi 147 con gia súc... Nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả nhờ làm mô hình kinh tế tổng hợp như gia đình ông Sùng A Lềnh với hơn 10 ha rừng, cùng với 1 ha ruộng nước, kết hợp với chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Anh Giàng A Tủa - Bí thư Chi bộ Pín Pé cho biết: "Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên trong định hướng phát triển kinh tế, Chi bộ xác định phải tập trung đẩy mạnh chăn nuôi, khuyến khích các mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, gắn với các mô hình trang trại nông - lâm nghiệp kết hợp. Trọng tâm là đẩy mạnh thâm canh ngô, chè, lúa nước. Với chủ trương đó, đồng bào dân tộc Mông ở đây đã đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đưa những giống cây trồng có năng suất cao vào sử dụng. "Anh thấy đó, lúa trên em cao ngập đầu, nhiều nơi vùng thấp cũng không tốt bằng đâu!” – Bí thư chi bộ Giàng A Tủa khoe.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây có nhiều thay đổi. Mức sống ngày càng được nâng cao, người dân vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.
Một góc thôn Pín Pé.
Ông Giàng A Cu, đảng viên, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Pín Pé, là người có uy tín ở thôn chia sẻ thêm: "Khi người dân tập trung vào việc tăng gia sản xuất, đời sống người dân đã được nâng cao thì công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cũng được giữ vững. Các tệ nạn xã hội trong cộng đồng đã được đẩy lùi, đời sống văn hóa tại khu dân cư được phát triển sâu, rộng đến từng hộ dân”.
Anh Giàng A Sùng – một trong những đảng viên trẻ nhất của Chi bộ Pín Pé tâm sự: "Trước đây dân mình đói khổ nhiều lắm, chỉ mong muốn có đủ cơm để ăn, đủ áo để mặc, nhưng không được. Bây giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân mình đã có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn, con cái đã được học hành đến nơi đến chốn, khi ốm đau đã được cán bộ y tế đến tận nhà thăm khám và cho thuốc uống. Người dân mình luôn quyết tâm đoàn kết, một lòng theo Đảng, làm theo lời Bác Hồ”.
Rời Pín Pé khi mặt trời đã gần xuống núi, chúng tôi hiểu rằng bà con dân tộc Mông nơi đây luôn kiên trung, tâm nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, họ đang sát cánh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền địa phương, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Anh Dũng