Ít ai biết rằng, 3 nhà khoa học người Mỹ vừa đạt giải Nobel Vật lý 2017 đều ít nhiều có những mối liên hệ với Việt Nam. Thậm chí, những phát hiện về sóng hấp dẫn trong vũ trụ, đóng góp quan trọng được vinh danh trong giải Nobel Vật lý năm nay, đã từng được trình bày tại Hội nghị ‘Gặp gỡ Việt Nam’ năm 2013 tại Quy Nhơn, Bình Định.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm hôm 3/10 đã công bố giải Nobel Vật lý năm 2017. Giải thưởng danh giá năm nay đã được trao cho Giáo sư vật lý Rainer Weiss, cùng hai nhà khoa học khác là Bary C.Barish và Kips Thorne đều mang quốc tịch Mỹ, về những đóng góp mang tính quyết định của họ đối với đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO), hay còn gọi là siêu máy dò phát hiện sóng hấp dẫn.
Sự gắn kết giữa những nhà khoa học vừa đoạt giải thưởng Nobel Vật lý 2017 và Việt Nam bắt đầu từ hơn 20 năm trước. Nó được khởi nguồn từ tình bạn với Giáo sư Trần Thanh Vân – người khởi xướng các Hội nghị ‘Gặp gỡ Moriond’, ‘Gặp gỡ Blois’ tại Pháp dành cho các nhà khoa học trẻ trên khắp thế giới từ năm 1966. Trong một lần dự hội nghị ‘Gặp gỡ Moriond’ do Giáo sư Vân tổ chức, Giáo sư Bary Barris nhận lời mời tới Việt Nam vào năm 1995 để dự Hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ hai, một sự kiện có ý nghĩa tương tự.
Đó cũng là dịp để các nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới cùng theo dõi hiện tượng nhật thực toàn phần tại Việt Nam vào năm 1995. 18 năm sau, giáo sư Barris một lần nữa trở lại Việt Nam dự Hội nghị ‘Gặp gỡ Việt Nam’ và có bài trình bày quan trọng liên quan sóng hấp dẫn, nội dung đã giúp ông và các cộng sự nhận được giải Nobel năm nay.
"Năm 2013, lúc chúng tôi xây xong trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn, chúng tôi có mời giáo sư Barris và vợ đến Việt Nam, và cùng làm việc với chúng tôi. Chúng tôi đã mời Giáo sư cùng làm kết luận của Hội nghị năm 2013. Hội nghị năm 2013 có sự tham gia của 5-6 giáo sư đạt giải thưởng Nobel đến và tất cả đấy đều là bạn thân của giáo sư Barris.”
Giáo sư Trần Thanh Vân nhớ lại trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. "Cả giáo sư Bary Barish và giáo sư Kips Thorne đều là những người bạn thân của giáo sư Trần Thanh Vân từ thời còn trẻ, khi họ chưa nhận được những giải thưởng lớn, vinh dự như vậy”. Những mối liên hệ cá nhân được Giáo sư Vân xây dựng suốt nhiều thập kỷ đã trở thành một tài sản vô giá, giúp đưa những cá nhân kiệt xuất của thế giới tới Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng Giáo sư Barish và Giáo sư Kips Thorne sẽ có dịp trở lại đây và đóng góp cho Việt Nam một phần nào.” Giáo sư Trần Thanh Vân nói. Dự kiến trong các sự kiện của ‘Gặp gỡ Việt Nam’ 2018 vào năm tới, Giáo sư Vân cũng sẽ mời các nhà vật lý đạt giải Nobel năm 2017 tới Quy Nhơn, Bình Định. "Thế nào chúng tôi cũng sẽ mời họ tới. Nhưng mà năm đầu tiên của một nhà khoa học nhận giải Nobel là năm họ hết sức bận. Rất nhiều tổ chức lớn mời anh ấy đến. Thành thử chúng tôi mong là với tình bạn[của chúng tôi], họ sẽ có thể tới dự. Nhưng sẽ là rất khó khăn”.
Thực tế, sự có mặt của các nhà khoa học hàng đầu thế giới tại Việt Nam đang trở nên thường xuyên hơn với sự ra đời của Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đi kèm các hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam”. Đó không chỉ đơn thuần là điểm hội tụ về mặt học thuật. Đó còn là động lực để đưa giáo dục và khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới.
"Trong lịch sử chúng ta thấy ‘Gặp gỡ Moriond’ do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1966 thì đã có gần 30 giáo sư đạt giải Nobel mà lúc họ tới dự hội nghị đó, họ còn rất trẻ. Trung tâm ở Quy Nhơn sẽ mang màu sắc như vậy”, ông Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành nhận xét.
"Lúc Giáo sư Bary Barris đến, ông chưa phải là người đạt giải thưởng danh giá như giải thưởng Nobel. Và 4 năm sau đó, ông và các cộng sự đã đạt giải thưởng này. Chúng ta thấy vai trò của Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn như là điểm hội tụ các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, tạo ra động lực cho giới trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ của Việt Nam”/.
(Theo VOV)