Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích
- Cập nhật: Thứ bảy, 14/10/2017 | 9:14:56 AM
Chiều 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã thông tin tới báo chí về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10.
Các lực lượng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi tại Yên Bái.
|
Về tình hình thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, tính đến 17 giờ ngày 13/10 đã có 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp.
Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Các xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La); các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Hưng Thi, An Bình... thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) hiện vẫn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.
Sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến chiều 12/10 đã tìm được 9 thi thể nạn nhân bị vùi lấp, số nạn nhân còn lại đang tiếp tục tìm kiếm.
Trả lời câu hỏi về khâu dự báo mưa còn nhiều hạn chế trong các ngày 11-12/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường cho biết dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác lượng mưa bao nhiêu lại càng khó hơn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Ngoài ra, khi gặp các loại hình thời tiết như kết hợp giữa không khí lạnh với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới thì khâu dự báo định lượng mưa lại càng khó hơn.
Ông Cường chia sẻ thêm khi bị ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão thường xảy ra mưa rất lớn và chủ yếu mưa vào ban đêm hoặc gần sáng, do đó, các bản tin dự báo cuối giờ chiều là rất quan trọng.
Để khắc phục những hạn chế trong khâu dự báo, thời gian tới, cơ quan khí tượng thủy văn cần được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại như các hệ thống quan trắc, radar... Ngoài ra, khi sản xuất ra các bản tin dự báo, việc truyền bản tin dự báo đến các địa phương trong vùng ảnh hưởng chưa kịp thời, cần phải nâng cấp.
Phân tích về nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.
Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán.
Chính phủ đã có chủ trương sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm nhưng công tác này đang còn rất hạn chế. Một số tỉnh miền núi như Sơn La, Yên Bái đã xuất hiện nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị "cạo trọc", thay vào đó là những nương ngô. Do đó, khi có mưa lũ, sẽ không được những cánh rừng che chắn nên mới gây sạt lở đất đá. Việc khôi phục những cánh rừng phải mất hàng chục năm.
Đề cập đến vấn đề hồ Hòa Bình xả lũ cấp tập trong đêm và đóng tất cả các tổ máy tại Thủy điện Sơn La, ông Trần Quang Hoài cho biết ở miền Bắc, từ 15/9 là kết thúc mùa mưa, từ 15-30/9, hồ Hòa Bình được phép tích nước ở cao trình 117m. Khi xuất hiện mưa lớn từ 9-12/10, nước về hồ Hòa Bình rất lớn.
Theo quy trình, 6 tiếng phải mở một cửa xả, nhưng nước đến dồn dập nên phải xả cấp tập. Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra thông báo về việc mở cửa xả để chính quyền và người dân biết chủ động phòng tránh, việc làm đó là đúng quy trình, quy định.
Đối với lệnh đóng tất cả các tổ máy phát điện tại Thủy điện Sơn La, ông Hoài cho rằng đây là một quyết định linh hoạt, thông minh và giúp chủ động hơn trong việc ứng phó với vấn đề xả lũ và an toàn cho hạ du. Bởi nếu không đóng các tổ máy phát điện sẽ gây nguy hiểm cho hồ Hòa Bình và phía hạ du, trong khi đó lượng mưa đến hồ thủy điện Sơn La không cao, không ảnh hưởng đến Thủy điện Sơn La.
Trả lời câu hỏi liên quan đến đánh giá ban đầu về cơn bão số 11 đang hoạt động trên Biển Đông, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện bão số 11 đang di chuyển chậm và tích lũy thêm năng lượng. Khi bão đổ bộ vào khu vực đảo Hải Nam sẽ ở cấp 11-12, giật cấp 13-14.
Khi vào Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão sẽ giảm dần. Khu vực bão đổ bộ vào đất liền nước ta chưa được xác định cụ thể, nhưng kéo dài từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế và nhiều khả năng vào khu vực Bắc miền Trung.
Các tin khác
Hồi 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
YBĐT – Tính đến 16 giờ ngày 13/10, số người chết và mất tích tăng từ 22 lên tới 24 người, thiệt hại về nhà tăng lên1.669, nhiều công trình công cộng bị mưa lũ làm hư hỏng; ước thiệt hại lên trên 500 tỷ đồng.
YBĐT - Chiều 13/10, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức công bố Quyết định thành lập Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái và Ký kết thoả thuận hợp tác về "Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”.
YBĐT- Hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.