Bộ Giáo dục- Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2017 - 2018

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/10/2017 | 8:54:05 AM

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Văn bản số 4612 của Bộ GD&ĐT, nhằm tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDPT, giáo dục thường xuyên triển khai một số công việc sau:

Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường

Với nội dung này, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.

Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.

Căn cứ vào chương trình GDPT hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học

Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá

Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học; Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT; Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT, thông tư số 26/2014/TT-BGD ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh theo học chương trình GDTX cấp THCS và THPT.

Nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT).

Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục

Các sở/phòng GD&ĐT xem xét, góp ý kế hoạch giáo dục của nhà trường trực thuộc để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình GDPT hiện hành; theo dõi, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; quản lý hoạt động dạy học, giáo dục theo các quy định hiện hành và kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường. Tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn trên mạng "Trường học kết nối".

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành; có hình thức biểu dương, khen thưởng với tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai các quy định về thực hiện chương trình; dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá.
 
(Theo VTV)

Các tin khác
Cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo”.

Hướng tới Ngày vì người nghèo 17-10, tối 15-10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lo động- Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp "Chung tay vì người nghèo" năm 2017.

Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 11.

Sáng nay 16-10, bão số 11 đang trên khu vực bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quốc). Dự báo 16h chiều nay, bão số 11 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km về phía đông đông nam.

YBĐT - Việc triển khai thực hiện Đề án góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; hạn chế sự chồng chéo trong chỉ đạo hoạt động đối với CĐCS, thuận lợi cho công tác chỉ đạo theo dõi quản lý; đồng thời thực hiện mục tiêu của tổ chức CĐ ở Yên Bái.

Phóng viên trò chuyện cùng anh Lò Văn Chiêm (áo trắng) và hai chị Hoàng Thị Nhình, Lò Thị Muồn được gia đình anh Chiêm cưu mang trong mấy ngày qua.

YBĐT - Lũ đi qua, tình người còn ở lại. Trong cơn hoạn nạn, những  nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng của anh Lò Văn Chiêm và Phạm Hoài Nam là những tấm gương bình dị mà cao quý giữa đời thường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục