Xử lý vi phạm bảo hiểm: Đã có chế tài mạnh

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/1/2018 | 1:40:05 PM

YênBái - YBĐT - Từ ngày 1/1/2018, các chế tài xử lý tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực. Đây được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm pháp luật BHXH, BHYT, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động,

BHXH, BHYT, BHTN giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến ngày 30/11/2017, số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 40,929 tỷ đồng, chiếm 3,2% trên tổng số phải thu. Trong đó, nợ BHXH là 33,538 tỷ đồng, nợ BHTN 2,095 tỷ đồng, nợ BHYT 5,296 tỷ đồng.
 
Việc các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp nợ BHXH không chỉ ảnh hưởng khả năng chi trả của ngành bảo hiểm mà ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, nhất là khi họ đang trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí, khiến cuộc sống bấp bênh.
 
Thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nhằm hạn chế tình trạng các đơn vị trốn đóng, nợ BHXH thời gian kéo dài, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tính riêng 11 tháng của năm 2017, thanh tra liên ngành đã tiến hành 137 đợt kiểm tra, thu hồi số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 12 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, ngành phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đã ký hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN để thu hồi nợ đọng từ các đơn vị sử dụng lao động; rà soát đơn vị nợ kéo dài, chuyển hồ sơ tài liệu sang tổ chức công đoàn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, điển hình là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, các quy định về việc xử lý hành chính những hành vi này đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức xử phạt; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý được tăng cường..., nhưng trên thực tế, các chế tài hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe. Luật BHXH số 71/2006/QH11, Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN thấp hơn mức lãi suất tiền vay ngân hàng.
 
Mức phạt đối với hành vi không đóng BHXH cho người lao động được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH tối đa không quá 75.000.000 đồng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cố tình chậm đóng chấp nhận để chiếm dụng Quỹ BHXH, BHYT và BHTN.
 
Một trong những công cụ pháp lý được các cơ quan BHXH áp dụng hiệu quả đối với các doanh nghiệp chây ỳ, trốn nợ là kiện ra toà. Tuy nhiên, sau khi luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, ngành BHXH không có quyền khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm, mọi trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động bằng cách khởi kiện sẽ do tổ chức công đoàn thực hiện.
 
Thời gian qua, BHXH thường xuyên phối hợp với tổ chức công đoàn chuyển hồ sơ khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm ra tòa án nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào.

Trước thực tế đáng lo ngại đó, việc hình sự hóa và áp dụng các chế tài hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm từ ngày 1/1/2018 được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nghiêm pháp luật BHXH, BHYT.
 
Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ các chế tài xử lý tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215). Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hình phạt đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216). Đây có thể coi là một chế tài mạnh đối với các chủ sử dụng lao động nhằm ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT hiện nay.
 
Theo đó, người nào trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động từ sáu tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
 
Trường hợp phạm tội hai lần trở lên; trốn đóng từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp trốn đóng 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên... sẽ bị phạt tiền đến một tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Riêng pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến ba tỷ đồng…

Văn Thông

Các tin khác

Chủ tịch nước đề nghị Hội Chữ thập đỏ nâng cao công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực, trợ giúp thiết thực cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tối 7-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự lễ kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2018), tuyên dương sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt”, tập thể sinh viên đạt danh hiệu "Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp trung ương, trao tặng Giải thưởng "Sao tháng Giêng” năm 2017.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 8/1, không khí lạnh tác động đến các tỉnh miền Bắc, nhiệt độ hạ dần đều và sẽ giảm rất sâu vào những ngày kế tiếp.

YBĐT - Năm 2018, huyện Lục Yên được giao tuyển chọn và gọi 178 công dân nhập ngũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục