Sắc xuân Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2018 | 8:14:00 AM

YBĐT - Nếu Xên bản, xên mường được coi là yếu tố tâm linh thì Hạn khuống được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Thái Nghĩa Lộ. Đầu xuân năm mới cũng là một dịp các bản làng người Thái tổ chức Hạn khuống.

Trò chơi dân gian trong hội xuân ở thị xã Nghĩa Lộ.
Trò chơi dân gian trong hội xuân ở thị xã Nghĩa Lộ.


Nghĩa Lộ có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 48%. Người Thái di cư vào Nghĩa Lộ - Mường Lò từ thế kỷ XI.
 
Đến thế kỷ XVIII, giặc Cờ vàng mang quân đánh chiếm Mường Lò. Thời kỳ này, vua Tự Đức đã cho quân giúp người Thái đánh đuổi quân giặc cờ vàng. Chiến thắng giặc cờ vàng, người Thái càng gắn bó, đoàn kết với dân tộc Kinh, từ đó người Thái Nghĩa Lộ cùng vui đón tết Nguyên đán thể hiện tinh thần anh em một nhà. Tuy cùng đón tết Nguyên đán song  tết của người Thái Nghĩa Lộ vẫn mang một bản sắc văn hóa riêng, thể hiện ở phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa.

Xuân về cũng là lúc bản làng người Thái Nghĩa Lộ rộn ràng bước vào mùa lễ hội với âm vang của tiếng cồng chiêng, dập dìu trong điệu xòe cổ và các trò chơi dân gian. Bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, các bản làng người Thái ở Nghĩa Lộ tổ chức lễ hội xên bản, xên mường tức lễ hội cúng bản, cúng mường. Đây là lễ cúng trời đất, thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới tốt lành.
 
Lễ hội được mở đầu bằng đám rước, tiếp theo là lễ hiến sinh cúng thần. Theo truyền thống, đám rước diễn ra từ nhà tạo mường ra đình. Dẫn đầu đám rước là các chức sắc trong mường với trang phục đẹp, có cờ, lọng, chiêng trống, kèn, sáo, nhị đi kèm.
 
Ông Lò Văn Tâm - già làng Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Lễ vật là một con trâu mộng to béo, được tắm rửa sạch sẽ, da đen bóng, sau đó mổ và bày lên mâm cúng. Lễ cúng tế do thầy mo cử hành và thầy mo khấn bảy lần, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui”. Ngày nay, lễ hội xên bản, xên mường được quan tâm phục dựng với các hình thức nghi lễ được bảo đảm như lễ hội truyền thống.

Nếu xên bản, xên mường được coi là yếu tố tâm linh thì Hạn khuống được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Thái Nghĩa Lộ. Đầu xuân năm mới cũng là một dịp các bản làng người Thái tổ chức Hạn khuống.
 
Theo tiếng Thái, "hạn” có nghĩa là sàn, "khuống” là sân, đất trong bản; "Hạn khuống” có nghĩa là cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời để mọi người trong bản gặp nhau trao đổi, tâm sự; là nơi để thanh niên nam, nữ chưa có gia đình tìm hiểu nhau thông qua việc thử tài văn chương, ứng đối, tài làm ăn… rồi có thể kết duyên vợ, chồng.
 
Chị Hoàng Thị Sươi và anh Hoàng Văn Thao ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An là cặp đôi như vậy đến nay đã được gần 10 năm. Khi xã hoặc thôn tổ chức Hạn khuống, anh chị lại tham gia để truyền dạy nét văn hóa này cho thế hệ trẻ, cũng là để nhớ lại những ngày đầu làm quen, từ đó thêm yêu thương, vun đắp hạnh phúc gia đình. 

Sau các lễ hội là các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống như: nam thanh nữ tú thì chơi ném còn, leo cột mỡ; các cụ già chơi tó mắc lẹ; người trung tuổi chơi đẩy gậy, bắn nỏ; trẻ con chơi leo cầu khỉ, kéo co... Ở đó, thể hiện được tinh thần đoàn kết, trí tuệ, những quan niệm tốt đẹp của đồng bào Thái, đặc biệt là tạo ra được sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi tết đến xuân về.
 
Cũng trong không khí lễ hội ngày xuân, một nét văn hóa không thể thiếu đối với đồng bào Thái ở đây là hội xòe. Ngày nay, Nghĩa Lộ đã khôi phục thành công được 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn của 36 điệu xòe của người Thái Tây Bắc.
 
Người Thái quan niệm: "Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Vì vậy, nhất là khi tết đến xuân về bà con nhân dân các thôn, bản thường tụ tập tại các điểm nhà văn hóa để khắp và múa xòe.
 
Bà Hoàng Thị Văn ở phường Tân An chia sẻ: "Xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái chúng tôi, nhất là 6 điệu xòe cổ, nó ăn sâu vào máu thịt, tâm hồn mỗi người. Vì thế mà cứ có tiếng trống, tiếng chiêng là tâm hồn lại thăng hoa, chân lại bước nhịp nhàng, uyển chuyển như thể là bản năng vậy. Thế hệ chúng tôi mong rằng sẽ truyền được cả hồn cốt của 6 điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ hôm nay”. Trong nhịp nhàng, đắm say điệu xòe, ngày xuân ở các bản làng nơi đây càng thêm thắm sắc.

H.Q

Các tin khác

YBĐT-   Ngay sau khi giây phút chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước đội tuyển U23 Qatar tại vòng bán kết U23 châu Á chiều nay (23/1), trong vỡ òa niềm vui và nước mắt hạnh phúc của các cổ động viên và người hâm mộ cả nước, người dân Yên Bái đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. 

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận xã An Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

YBĐT - Ngày 23/1, UBND huyện Văn Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

YBĐT - Vừa qua, hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

YBĐT - Sáng 23/1 , tại Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông(ATGT) huyện Yên Bình tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề "Phụ nữ tham gia đảm bảo ATGT vì hạnh phúc của mỗi người”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục