Bài học hữu ích

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/2/2018 | 8:26:44 AM

YBĐT - Làm nghề báo, chúng tôi có may mắn được đi qua nhiều vùng đất, đặt chân đến nhiều bản làng xa xôi, được cảm nhận từng hơi thở lúc gấp gáp, khi nhẹ nhàng của cuộc sống. 

Trẻ em ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chơi trò nhảy dây với dây buộc bằng vải thổ cẩm.
Trẻ em ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chơi trò nhảy dây với dây buộc bằng vải thổ cẩm.

Những chuyến đi như thế, với nhiều người, đó là khám phá, là sự tìm kiếm niềm vui. Còn với chúng tôi, đúng là cũng có những niềm vui vì sự trải nghiệm thực tế. Song, hầu như lần nào cũng vậy, mỗi chuyến đi đều đọng lại trong lòng bao điều suy tư về hình ảnh những đứa trẻ nơi miền quê nghèo mà chúng tôi đã từng gặp, từng tiếp xúc…

Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đối tượng chúng tôi gặp nhiều nhất có lẽ là trẻ em. Chắc hẳn là do chúng hiếu động, suốt ngày lần chơi dọc đường; cũng có thể vì chúng thích khám phá, cứ thấy người lạ là chúng để ý (chỉ để ý thôi chứ ít khi dám lại gần). Có rất nhiều những kỷ niệm với lũ trẻ vùng cao mà tôi cứ nhớ mãi, nhớ để tự nhủ lòng mình rằng, trên khắp quê hương này còn nhiều lắm những số phận trẻ em cơ cực, không nhận được đủ đầy sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ (hoặc cha mẹ chúng có muốn đi chăng nữa cũng đành bất lực khi gia cảnh quá nghèo nàn).

Có lẽ, những người tầm tuổi U40 ở thành phố, thị xã như tôi đều đã nhiều hơn một lần nhớ đến quãng tuổi thơ "kỳ diệu” với những trò chơi: đánh khăng, đánh đáo, ô ăn quan, bắn bi, đẽo quay, nhảy dây; rồi rủ nhau lên rừng đào măng, hái quả mâm xôi, gặm quả mua đen tím mồm. Thậm chí, có lúc gọi nhau giữa trưa hè nắng rát mặt đào trộm luống khoai, cắt trộm bụi sắn dây rồi nhai sống, nhai sượng mà thấy ngon đến lạ. Khi bị chủ nhà đuổi bắt thì khoanh tay xin lỗi mà "mặt cắt không còn giọt máu”...
 
Những trò nghịch dại thì không kể xiết. Nào là súng phốc bắn đạn quả đay, quả xoan; rồi súng cao su bắn đạn dây sắn dây có khi bắn phải mặt nhau suýt hỏng mắt; nữa là trò đạp ngựa, cõng nhau, đạp nhau ngã dúi dụi, có khi bươu đầu, sứt trán…
 
Những tưởng "tuổi thơ dữ dội” ấy mãi mãi chỉ là kỷ niệm đẹp giữ trong lòng nhưng cho đến tận ngày hôm nay, khi xã hội hiện đại đã phát triển chóng mặt, trẻ em ở thành phố đã chơi những thứ đồ chơi điện tử đắt tiền, mặc những bộ quần áo không những ấm mà còn phải đẹp, mắt dán vào ti vi, màn hình máy vi tính hoặc điện thoại smartphone, ăn uống thì "lười biếng”, hơi tí lăn ra ốm… thì chúng tôi lại được "mục sở thị” những ký ức ấy ngoài đời thường, nơi vùng cao còn quá nhiều gian khó. Tôi nhớ mãi chuyến công tác dài ngày lên huyện nghèo Mù Cang Chải.
 
Cái đỉnh núi Háng Đề Chà (xã Kim Nọi) cao chót vót ấy là nơi tôi bắt gặp hình ảnh 4 - 5 đứa trẻ tầm 3 - 8 tuổi đang vừa chăn đàn trâu vừa cùng nhau chơi trò chơi với những chiếc ô tô đẽo bằng gỗ của cây rừng. Nhìn mấy cái xe được đẽo thủ công ấy, rồi nhìn nụ cười hồn nhiên, tươi rói của lũ trẻ, tôi giật mình tự nhủ: "Ngày xưa mình cũng như chúng vậy”.
 
Thú thực, con tôi ở nhà, cùng mấy đứa trẻ con hàng xóm nữa, bao nhiêu ô tô điện, ô tô điều khiển từ xa chỉ chơi được ngày một, ngày hai là rụng rời các bộ phận. Với lũ trẻ ở đây, có được thứ đồ chơi đắt tiền ấy có lẽ mãi chỉ là mơ ước. Bố mẹ chúng chắc cũng biết con cái muốn gì. Nhưng chỉ với vài thửa ruộng bậc thang trồng lúa, vài nương đất trồng ngô, vài bó củi kiếm được trên rừng, thứ đồ chơi ấy là quá xa xỉ với thu nhập của họ trước gánh nặng áo cơm hàng ngày đè nặng...
 
Lại nhớ một hôm trời mùa đông, mưa phùn rét như cắt, chúng tôi vượt dốc, băng qua sương mù ngược lên đỉnh Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu) thăm lại con "đường Tà huyền thoại” – công trình thanh niên tiêu biểu của biết bao thế hệ trẻ tỉnh nhà.
 
Tại dốc Cầu Tà, chúng tôi gặp một tốp có đến gần chục đứa trẻ người Mông đang túm tụm lại với nhau "chơi trò” sưởi lửa. Đứa lớn nhất bọn chắc tầm 9 tuổi, đứa nhỏ nhất còn đang được anh chị bế trên tay; hầu hết trong số chúng đều chỉ mặc một chiếc áo cánh mỏng tang, nước mắt, nước mũi lòng thòng chảy.
 
Thấy chúng tôi dừng xe, thoáng chút ngơ ngác, rồi bọn trẻ lại chụm đầu vào đống lửa sắp tàn, tiếp tục "trò chơi”. Chơi cái gì với lửa giữa tiết trời này nhỉ? Anh em chúng tôi cứ hay nói với nhau theo kiểu: "Trẻ con ở đây chịu rét giỏi thật, thế mà không ốm nhỉ”, rồi thì: "Bọn nó được dãi dầu mưa nắng từ nhỏ, lớn lên sẽ có sức đề kháng tốt đấy”…
 
Nhưng thực ra, thẳm sâu trong lòng mỗi người chúng tôi đều nặng trĩu nỗi buồn: "Chúng mà có quần, có áo đầy đủ thì tội gì cứ phải phong phanh chịu rét”? Tiền cho lúc ấy thì được đấy nhưng còn biết bao nhiêu hoàn cảnh như thế đang ở nơi vùng cao này!

Còn nhiều, rất nhiều nữa hình ảnh của những đứa trẻ vùng cao mà chúng tôi gặp trong những chuyến công tác. Nào cảnh chị em chia nhau bốc cơm dính tro bếp; cảnh anh bón cho em nhỏ củ sắn nướng đen nhẻm bụi than; rồi cảnh trẻ con quần áo cũ mèm, rách vá, bồng bế, cõng địu nhau lơ ngơ giữa phố huyện đợi bố mẹ tan chợ chiều khi bán xong mớ rau rừng…
 
Thực sự còn quá nhiều mảnh đời đáng thương như thế! Sau mỗi chuyến công tác vùng cao về nhà, tôi thường kể cho con tôi nghe về các bạn trẻ cùng lứa với nó ở những vùng quê nghèo ấy. Tôi nghĩ đó sẽ là những bài học hữu ích cho trẻ em bây giờ về giá trị cuộc sống, về cách sống để hình thành nên trong chúng một nhân cách đẹp, một ý thức làm người tốt, biết sẻ chia, đùm bọc chứ không thể trở thành một con người ích kỷ…
 
Cách giáo dục tốt nhất không phải là quát mắng hay đòn roi, hãy cho trẻ nhỏ nhìn thấy những tấm gương vượt khó, những mảnh đời cơ cực biết vươn lên để chúng ý thức rằng, chúng không được lãng phí, không được phép lãng quên những điều tốt đẹp cuộc sống này đã mang lại cho chúng để biết cách trở thành người tử tế...

Thiên Cầm

Các tin khác
Mỗi khi tết đến xuân về, số bệnh nhân nhập viện do lạm dụng rượu, bia tăng.  (Ảnh: Bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Yên Bái điều trị cho bệnh nhân tâm thần rượu).

YBĐT - Bên cạnh niềm vui của những ngày xuân mới, của không khí đoàn viên sum họp mỗi gia đình là nỗi lo canh cánh do hệ lụy của rượu, bia mang lại mỗi khi tết đến, xuân về!

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Dế Xu Phình gặp gỡ tuyên truyền, vận động chị em hội viên ở Chi hội bản Dế Xu Phình A, thực hiện xây dựng đời sống văn hoá.

YBĐT - Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) đã vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...”, góp phần không nhỏ vào đẩy mạnh thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nếp sống mới trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Yên tặng quà tết cho người cao tuổi thị trấn Yên Thế.

YBĐT - Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, hàng năm cứ vào dịp tết Nguyên đán, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên lại tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo với nhiều hoạt động thiết thực, giúp các gia đình đón tết vui xuân đầm ấm, hạnh phúc.

YBĐT - Chiều 5/2, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục