Tuy nhiên, để hạn chế việc đốt vàng mã trong các lễ hội dịp đầu năm nói riêng cũng như trong đời sống nói chung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Du nhập từ Trung Quốc
Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 31 đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường), di tích lịch sử văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.
"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam,” công văn nêu rõ.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong các nghi thức, nghi lễ và gốc rễ văn hóa Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Đây là hành động không được khuyến khích trong đạo Phật.
Cụ thể, hòa thượng cho biết, việc đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian du nhập từ Trung Quốc, tồn tại lâu dài theo thời gian, người dân mặc định thành hình thức tâm linh nhằm kết nối, gửi gắm nguyện vọng tới người đã khuất. Thông qua việc đốt vàng mã (mô hình các vật dụng như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, tiền vàng…), người dân tin rằng, ông bà tổ tiên, những người đã khuất sẽ nhận được và sử dụng ở thế giới bên kia.
"Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm, gây lãng phí nhiều tiền của và tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, số tiền dùng để mua vàng mã mang đốt có thể dùng vào các hoạt động an sinh xã hội (giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện…) sẽ hiệu quả hơn rất nhiều,” Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết.
Khó thay đổi trong "một sớm một chiều”
Có cùng quan điểm trên, giáo sư-tiến sỹ Đỗ Quang Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tục đốt vàng mã có ảnh hưởng từ Trung Quốc. "Không phải đến bây giờ, người ta mới vận động không sử dụng vàng mã. Thực tế, từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, vấn đề này đã được đặt ra, bàn cãi, tranh luận khá nhiều. Tuy nhiên, do những điều kiện xã hội đương thời, việc đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã đã không thành công,” ông Đỗ Quang Hưng cho hay.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tập tục đốt vàng mã là một nhu cầu tâm linh, hơn nữa, đã tồn tại lâu dài trong đời sống người Việt Nam. Bởi vậy, việc thay đổi không thể diễn ra trong "một sớm một chiều” mà cần thực hiện từng bước.
Các cơ sở thờ tự, di tích lịch sử-văn hóa không thể cấm người dân mang theo vàng mã đến. Bởi vậy, ban quản lý, ban trị sự cần chủ động có phương án phòng chống cháy nổ, hướng dẫn du khách hạn chế sử dụng vàng mã và đốt vàng mã đúng nơi quy định.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho rằng, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý văn hóa cần vào cuộc, có những quy định và chế tài cụ thể về việc sử dụng vàng mã trong đời sống hiện nay.
"Nhiều người không hiểu ý nghĩa việc làm của mình mà hùa theo đám đông một cách vô thức, hoặc có niềm tin mù quáng vào việc sẽ người đã khuất phù hộ khi đốt, gửi những đồ vàng mã ấy; từ đó, dẫn đến việc lạm dụng vàng mã. Nhiều hành vi trục lợi cá nhân cũng xuất phát từ đây,” hòa thượng nhấn mạnh.
Ngày 21/2 vừa qua, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Công văn số 91/VHCS-QLHĐLH gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương về việc "Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018.”
Công văn nêu rõ: "Ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội.”
(Theo TTXVN)