Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát

  • Cập nhật: Chủ nhật, 24/11/2024 | 8:18:32 AM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn. (Ảnh minh họa)
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp cấp bách và đồng bộ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông - xuân sắp tới.

"Tấn công” cả trẻ nhỏ và người lớn

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), số ca mắc sởi đang tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần; nhưng đến tháng 11-2024 đã tăng lên từ 16 đến 25 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi của toàn thành phố là 87 trường hợp tại 23 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có nhiều trẻ 6-7 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) lo ngại, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Do đó, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, các chuyên gia y tế đều cho rằng, trẻ em có hệ miễn dịch kém nên vi rút sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, vi rút sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…

Không chỉ với trẻ nhỏ, bệnh sởi còn "tấn công” cả người lớn. Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cấp cứu nam bệnh nhân 56 tuổi (ở tỉnh Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Trước đó, khi phát hiện các triệu chứng: Sốt, đau đầu, mệt mỏi và xung huyết vùng kết mạc mắt, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau về uống trong 6 ngày nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn…

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.

Không được chủ quan, lơ là

Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để vi rút sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ. Do đó, nhiều người dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường nên vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, tâm lý nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em cũng khiến người lớn chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, sởi còn có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 12-21 ngày mới bắt đầu phát ban và lây bệnh khiến việc kiểm soát gặp khó khăn.

Ngoài những nơi tập trung đông người như khu vực công cộng, trường học... có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý thêm, trong số các bệnh nhi nhiễm sởi được ghi nhận tại bệnh viện thời gian qua có một số trẻ bị lây nhiễm chéo khi đang nằm điều trị nội trú. Dịch sởi năm 2014 khiến hơn 110 trẻ tử vong là bài học đắt giá về phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vì vậy, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm vào thời điểm này là công tác phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cùng với đó, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi...

Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn thành phố, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát những trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Cùng với đó, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Khi phát hiện trường hợp mắc sởi cần phải theo dõi chặt chẽ, cách ly và điều trị kịp thời.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược.

Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Hiện tại sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định

Một gia đình ở tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sau khi ăn thịt chó có biểu hiện nôn ói nên được đưa vào bệnh viện để cấp cứu.

Vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh tư liệu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ hai nhận được sự chấp thuận này.

Xuất huyết não ở người trẻ tuy không phải là tình trạng phổ biến, nhưng lại vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xuất huyết não ở người trẻ tuy không phải là tình trạng phổ biến, nhưng lại vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục