Người lao động có thể chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 10 - 15 năm
- Cập nhật: Thứ năm, 24/5/2018 | 4:41:16 PM
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được nghiên cứu theo hướng linh hoạt, người lao động có thể chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm, mức hưởng cũng sẽ thay đổi sao cho tương xứng với mức đóng góp...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung chia sẻ thông tin trên khi trao đổi về những điểm mới tại Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa được Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII thông qua.
Điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: "Việc thông qua Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là một chủ trương lớn. Với 10 nhóm giải pháp có tính chất đột phá, Nghị quyết sẽ tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách BHXH”.
Trước hết, theo Bộ trưởng, dựa trên các vấn đề có tính nguyên tắc, đặc biệt là 3 nguyên tắc: bình đẳng, chia sẻ, đóng hưởng để thiết kế lại toàn bộ hệ thống chính sách bảo hiểm từ đơn tầng chuyển sang đa tầng.
Bên cạnh đó, cải cách BHXH được đặt trong mối quan hệ gắn liền với cải cách kinh tế xã hội nói chung, nhất là thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa 12) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi đây là thị trường rộng lớn và bước chuyển động lớn để phát triển lực lượng.
Cùng với đó là việc ban hành các hệ thống chính sách có tính chất tạo ra sự hấp dẫn, nhà nước hỗ trợ để phát triển lực lượng này. Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đang thực hiện hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện là 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
Khẳng định những chính sách này thời gian vừa qua đã có tác dụng nhất định, tuy nhiên sự hấp dẫn chưa như mong muốn, Bộ trưởng cho biết sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, nhất là thu ngân sách để hướng mạnh sang hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia.
Về điều chỉnh thời gian đóng BHXH nhằm làm tăng đối tượng tham gia, Bộ trưởng cho biết hiện nay chúng ta đang quy định thời gian "cứng” là 20 năm. Nhưng nhiều trường hợp, người lao động đã tham gia 10 năm, 15 năm nhưng không có khả năng tham gia nữa nên đã rút BHXH một lần hoặc không tiếp tục tham gia.
Để hạn chế những bất cập này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tới đây, sẽ nghiên cứu điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. "Người lao động có thể chỉ cần đóng BHXH 10 năm hoặc 15 năm. Dĩ nhiên khi chúng ta điều chỉnh thời gian đóng BHXH, mức hưởng cũng sẽ thay đổi sao cho tương xứng với mức đóng góp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc sẽ chú trọng tăng cường tính chia sẻ giữa các loại BHXH và đối tượng đóng BHXH. Đơn cử như lao động nam và lao động nữ, giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn như: Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp… Hiện nay, các loại hình này đang có sự độc lập tương đối.
Giảm số người và tỉ lệ hưởng BHXH một lần
Vấn đề khác được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh là việc cần nghiên cứu chính sách để giảm số người và tỉ lệ hưởng BHXH một lần. Bởi, hiện có tình trạng, người lao động hưởng rời khỏi hệ thống BHXH bằng cách nhận BHXH một lần. Nhưng sau đó một thời gian, người lao động này lại tiếp tục tham gia hệ thống BHXH bằng việc đóng BHXH ở một nơi khác và lặp lại việc nhận BHXH một lần như trên.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước thiết kế người lao động đóng ở mức nào thì hưởng ở mức đó. "Hiện nay, để đảm bảo công bằng chúng ta cần tiến tới nghiên cứu xây dựng chính sách theo hướng người lao động chỉ được hưởng phần đóng của mình. Phần đã đóng của người sử dụng lao động sẽ dành để chia sẻ cho các đối tượng khác” - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, cần thiết kế chính sách xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập với lộ trình điều chỉnh lương của những người đang công tác.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh lương hưu tới 15 lần nhưng những lần này đều gắn với điều chỉnh của những người đang đi làm. Điều này tạo sự chưa phù hợp. "Lương hưu được thực hiện từ nguồn của quỹ BHXH, còn lương của người lao động do các tổ chức người lao động và Nhà nước chi trả. Do đó 2 vấn đề cần bóc tách độc lập trong thời gian tới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ thụ động sang chủ động. Bộ trưởng giải thích: "Từ trước tới nay, chính sách BHXH mới chủ yếu chi trả cho người thất nghiệp nhưng chưa chú ý tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp để chống thất nghiệp, hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm, hỗ trợ đào tạo cho người lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc quay trở lại thị trường lao động...”.
Các tin khác
YBĐT - Sáng 24/5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Cán bộ, sĩ quan trẻ thi đua làm theo lời Bác” với sự tham gia tọa đàm có hơn 60 cán bộ, sỹ quan trẻ tuổi đời dưới 35 tuổi trong lực lượng vũ trang tỉnh.
Chương trình "Tiếp sức mùa thi” năm 2018 được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; đợt hoạt động cao điểm diễn ra từ ngày 24/6 đến 27/6. Đặc biệt, chương trình năm nay đặt mục tiêu hỗ trợ toàn bộ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian diễn ra kỳ thi.
Qua kiểm tra, Bộ Giáo dục- Đào tạo cho biết, có một số trường chưa đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ sinh viên/giảng viên đối với một số khối ngành đào tạo.
YBĐT - Những ngày này, trong không khí khẩn trương chung của ngành giáo dục cả nước, huyện Mù Cang Chải cũng đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra đúng quy chế và đạt kết quả cao nhất.