Sự chuyển biến đào tạo nghề thể hiện qua: tuyển sinh dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú tương đối thuận lợi; tuyển sinh dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 vượt so với chỉ tiêu kế hoạch.
Đào tạo nghề đã gắn theo nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu sử dụng của các địa phương, nhu cầu sử dụng của doanh các nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, yêu cầu xây dựng nông thôn mới của các địa phương…
Mục tiêu năm 2018, toàn tỉnh sẽ tuyển mới và đào tạo nghề cho 15.800 người, gồm: trình độ cao đẳng 1.650 người (chiếm 10,4%); trung cấp 2.450 người (chiếm 15,5%), sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 11.700 người (chiếm 74,1%); trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 6.000 người. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 54%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 27,8%.
Để đạt được mục tiêu trên, bước vào năm 2018, ngành lao động, thương binh và xã hội, các cơ sở đào tạo nghề và các địa phương đã có nhiều giải pháp như: tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh hoàn thiện Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án của tỉnh.
Thực hiện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền dạy nghề; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng phù hợp; bồi dưỡng kỹ năng nghề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; tổ chức tốt các hội giảng, hội thi…
Từ giải pháp trên, tính đến ngày 16/5/2018, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo cho 4.882 người, đạt 31% kế hoạch năm, trong đó: cao đẳng 129 người, trung cấp 1.178 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 3.575 người. Có 1.592 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956.
Kết quả đạt được trong dạy nghề những tháng đầu năm là khả quan, tuy nhiên để đạt mục tiêu kế hoạch cả năm, ngành lao động - thương binh và xã hội, các cơ sở dạy nghề và các địa phương cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về dạy nghề nhằm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề để tuyển sinh các hệ đào tạo
Đổi mới, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực người học; đổi mới quy trình kiểm tra, đánh giá phù hợp với phương thức đào tạo, hình thức học tập; đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo để đào tạo theo nhu cầu sử dụng và nhu cầu của người học; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng mở các lớp ở lĩnh vực phi nông nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các trường tăng cường đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; tiếp tục huy động sự tham gia của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp may) trong việc đào tạo nghề cho lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dạy nghề đối với các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Đình Tứ