Trường THPT Lý Thường Kiệt hướng tới phát triển năng lực học sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2018 | 7:56:07 AM

YBĐT - Trường THPT Lý Thường Kiệt đã tổ chức dạy học theo năng lực của học sinh.

Các giờ thực hành, thí nghiệm được tăng cường giúp học sinh hiểu bài nhanh và thực tế hơn.
Các giờ thực hành, thí nghiệm được tăng cường giúp học sinh hiểu bài nhanh và thực tế hơn.

Trong những năm qua, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã có nhiều giải pháp, cách làm hay nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xứng đáng là cái nôi tạo nguồn cán bộ, nhân lực cho tỉnh.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo và thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.
 
Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Các tổ, nhóm chuyên môn chủ động rà soát, sắp xếp tinh giảm nội dung dạy học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng; thiết kế lại các tiết học trong phân phối chương trình chi tiết hiện hành thành các chủ đề tích hợp hoặc tích hợp liên môn; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thí nghiệm thực hành. Mỗi kế hoạch dạy học đều được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
 
Thầy giáo Nguyễn Đức Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng ít nhất 2 chủ đề dạy học/ mỗi môn học, có thể gắn chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Riêng năm học 2017 - 2018 vừa qua, nhà trường đã phê duyệt và thực hiện 40 chủ đề”.

Cùng với đó, các bộ môn xã hội thực hiện tích hợp giáo dục đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật; giáo dục phòng chống tham nhũng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; hướng dẫn tổ chức tham quan, học tập thông qua di sản, tại các cơ sở sản xuất…
 
Để nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi, được sự nhất trí của cha, mẹ học sinh, các tổ chuyên môn và các thầy cô giáo đã xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng ôn luyện cho các đối tượng học sinh.
 
Qua đó, nhà trường tổ chức dạy học theo năng lực của học sinh. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu. Giáo viên hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, coi trọng thực hành, thí nghiệm.
 
Ngoài ra, giáo viên phân tích kết quả kiểm tra, điều chỉnh hoạt động dạy học của mình, giúp học sinh biết tự đánh giá để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô phát huy tính tích cực, chủ động, hứng thú học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên.
 
Thầy Cường cho biết thêm: "Quan điểm của nhà trường là chú ý bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất. Kiên quyết khắc phục tình trạng "đọc - chép”, "chiếu - chép”, "nhìn - chép”.
 
Dạy sát đối tượng, coi trọng việc bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và giúp đỡ học sinh yếu, kém. Hàng năm, nhà trường tổ chức các hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hành thí nghiệm, đổi mới hoạt động tổ chuyên môn, công tác chủ nhiệm, nghiên cứu khoa học...”.
 
Công tác kiểm tra đánh giá ở nhà trường được thực hiện đổi mới theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh.
 
Đánh giá cả quá trình: đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án; bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
 
Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục của Trường THPT Lý Thường Kiệt đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2017 - 2018 vừa qua, trên 36% học sinh nhà trường đạt loại khá, giỏi; gần 98% học sinh xếp loại đạo đức khá tốt; 19 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh; 2 em đạt giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học.

Minh Tư

Các tin khác

YBĐT - D978 là ký hiệu của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an Hoàng Liên Sơn, đơn vị ra đời trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Dù gặp nhiều khó khăn, trang bị thiếu thốn nhưng những chiến sỹ đơn vị D978 đã anh dũng chiến đấu hy sinh quên mình nơi địa đầu biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Những ngày tới, các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ sẽ có đợt mưa to đến rất to.

Bắt đầu từ chiều mai, 13.7, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có đợt mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài đến hết ngày 17.7.

Ảnh minh họa

Sau khi đã biết điểm thi của mình, thì thí sinh cần lưu ý một số điểm sau đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục