Tính đến 11h ngày 21/7, mưa lũ đã cô lập hoàn toàn 29 xã thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 29 người chết, mất tích và bị thương. Trong đó, có 10 người chết, 8 người mất tích và 11 người bị thương.
3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 97 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 189 nhà bị hư hỏng từ 50 đến 70%; gần 3.591 nhà bị ngập nước, sạt lở taluy, tốc mái hư hỏng nhẹ.
Về lúa và hoa màu, đã có hơn 1.915 ha bị hư hỏng, vùi lấp. Một số địa phương thiệt hại nặng như: Trấn Yên 930 ha, thành phố Yên Bái 500 ha, Văn Yên 289 ha,, Văn Chấn 121 ha.
Hàng loạt tuyến giao thông bị ngập sâu, trong đó quốc lộ 32, 32C, 37; tỉnh lộ 174, 175, 175B, 163, 166, 172, 175 có nhiều điểm bị ngập sâu và sạt lở ta luy, giao thông bị ách tắc.
Hàng ngàn chiến sỹ quân đội, công an, đoàn viên thanh niên đã phải huy động tập trung tối đa khắc phục hậu quả ngay trong đêm để có thể thông tuyến một số đường huyết mạch. Nhiều cầu treo, công trình thuỷ lợi, đường điện bị hư hại nghiêm trọng, cáp viễn thông đứt gây mất liên lạc cục bộ.
Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra đến nay ở Yên Bái khoảng 200 tỷ đồng.
Hiện tại, các địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung toàn lực để hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng thiên tai, cứu hộ, cứu nạn người mất tích và bị thương, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ngay từ sáng sớm ngày 20/7, các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống; Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã trực tiếp có mặt tại các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các hộ gia đình bị thiệt hại; chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại khu vực xảy ra thiên tai, kiên quyết không để người dân đến những khu vực nguy hiểm; khắc phục, đảm bảo ngay thông tin liên lạc, điện sinh hoạt cho nhân dân và sớm khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các xã bị cô lập và xã tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, cán bộ công chức viên chức, các đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân được huy động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy hiện trường tìm kiếm, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đặt tại huyện Văn Chấn để chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời huy động và tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thực hiện đồng bộ các biện pháp tìm kiếm người mất tích.
Trước những diễn biến phức tạp và tình hình thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái, chiều 20/7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại huyện Văn Chấn.
Đồng chí yêu cầu tỉnh Yên Bái cần chủ động hơn nữa trong công tác nắm bắt tình hình, xử lý, khắc phục thiệt hại do bão gây ra; chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Kịp thời bố trí kinh phí để khắc phục các công trình bị thiệt hại do mưa bão. Tổ chức khắc phục các công trình giao thông đảm bảo thông suốt, các công trình thủy lợi đảm bảo cho sản xuất, các công trình điện, nước sạch đảm bảo đời sống nhân dân; có biện pháp khôi phục các diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng…
Tỉnh Yên Bái cũng đã huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ; các huyện, thị xã, thành phố đã huy động lực lượng tại chỗ trên 15.000 người; Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã kịp thời cử trên 200 chiến sỹ đến cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai.
Bước đầu, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; 2,5 triệu đồng đối với người bị thương; 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng.
Đồng thời, bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống; rà soát, tìm những địa điểm đất nền để dự kiến làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn.
Hiện nay, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành, các địa phương huy động toàn bộ lực lượng nỗ lực lên phương án tiếp cận các xã bị chia cắt để cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân; tiếp tục di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; giải quyết các vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội ban đầu theo chính sách của tỉnh.
Đồng thời huy động phương tiện máy móc để khắc phục hệ thống giao thông bị sạt lở đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt và hệ thống điện khắc phục một cách nhanh nhất có thể, bảo đảm công tác hậu cần kỹ thuật phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn... nhằm khắc phục hậu quả sau mưa lũ nhanh nhất, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Hồng Duyên