"Bão số 4 rất đặc biệt và phức tạp"

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2018 | 4:38:14 PM

Cơn bão số 4 được đánh giá phức tạp cả về hướng đi, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng. Bão sẽ gây mưa lớn, trọng điểm ở Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 4.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 4.

Chiều 15/8, tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cơn bão số 4 là cơn bão đặc biệt, hình thành hơn chục ngày nay, rất phức tạp.

Hiện tại bão di chuyển theo hướng Tây, sáng thứ 6 sẽ tiếp cận bờ biển đất liền Việt Nam, phạm vi ảnh hưởng suốt từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

"Bão phức tạp về hướng đi, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng. Đến nay chúng ta vẫn chưa khoanh vùng diện hẹp nơi cơn bão có khả năng đổ bộ, trong lúc đó hai ngày nữa bão đã đổ bộ. Với tính chất cơn bão như thế này nếu chúng ta không quyết tâm hậu quả sẽ nặng nề”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt ở vùng này có hoạt động kinh tế vô cùng sôi động, dự án kinh tế lớn.

"Hoàn lưu cơn bão gây mưa trên diện rộng, vùng này lại vừa bị tổn thương bởi 2 trận mưa lịch sử vì thế chúng ta không chỉ quan tâm cơn bão mạnh cấp mấy mà còn nhiều vấn đề hệ luỵ, cộng hưởng”, Bộ trưởng nói.

Tại cuộc họp, thông tin cơn bão số 4, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, chiều nay, tâm bão số 4 ngang với Quảng Ninh- Hải Phòng, cách bờ khoảng 420km, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam.

Khoảng 10 giờ ngày 17/8 (thứ Sáu) tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, gió cấp 8; sau đó di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần.

TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho hay, hiện nay bão đang cách Móng Cái (Quảng Ninh) trên 360km. Sức gió cấp 9, giật cấp 11, bão đã tăng nửa cấp và di chuyển nhanh hơn.

Sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Trong 48 giờ tới, tức sáng Thứ Sáu (17/8) tâm bão sẽ đi vào đất liền. Bão sẽ duy trì trên cấp 8 khi vào Vịnh Bắc Bộ, vùng tâm bão là ven biển các tỉnh Hải Phòng đến Nghệ An.

Chiều tối mai (16/8) vùng biển Quảng Ninh sẽ bắt đầu có gió mạnh.

Ông Cường cho biết, quan ngại nhất là lượng mưa lớn và hoàn lưu bão rộng. Mưa cấp tập sẽ từ đêm mai (16/8) đến hết ngày thứ 7. Mưa trọng điểm ở Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.... lượng mưa 250-350mm/đợt.

Chính vì mưa lớn nên cảnh báo ngập úng các vùng trũng, thấp tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trọng điểm mưa sau khi bão số 4 đi sang Lào đó là các tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định.  Đặc biệt ở Chương Mỹ (Hà Nội), nguy cơ sẽ tái ngập sâu, tuy nhiên mức độ không như đợt ngập vừa qua.

Từ ngày 16-17/8 đỉnh lũ trên sông Đà (báo động 1-2); sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.

Theo đánh giá, bão gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đây là khu vực có nhiều tàu thuyền ven biển hoạt động, các khu kinh tế du lịch hoạt động mạnh; hệ thống đê điều, hồ đập đã trải qua gần 02 tháng mưa lũ; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất lũ quét ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay có 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình). Tất cả 07 tỉnh ven biễn đến nay vẫn chưa có lệnh cấm biển.

Yêu cầu địa phương cấm biển

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tăng cường thông tin, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền khai thác hải sản, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng bè,.. về nơi trú tránh bảo đảm an toàn.

Chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo.

Đảm bảo an toàn cầu cảng (Quảng Ninh, Hải Phòng), hầm lò, khu vực khai thác khoảng sản, hồ chứa bùn thải; sẵn sàng máy bơm để chống ngập úng khu đoạn đường tại Đèo Bụt ở Quảng Ninh;

Khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản (chủ động cấm một số phương tiện di chuyển khi bão đổ bộ trên các cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh); cầu Tân Vũ (Hải Phòng); đảm bảo an toàn khu công nghiệp như ô tô VINFAST (Hải Phòng).

Đối với khu vực trên đất liền tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, yêu cầu chủ động tiêu nước đệm, đồng thời sẵn sàng vận hành các trạm bơm để tiêu thoát khi mưa lớn.

Với khu vực miền núi, triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn....

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, đối với tuyến biển dứt khoát yêu cầu các tỉnh trọng điểm cấm biển. Tuỳ tình hình, tỉnh nào đang gần cơn bão nhất cấm biển trước; đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, nhất là các tàu du lịch.

Đối với vùng đất liền có rất nhiều công trình lớn đang thi công, công trình nhà dân vì vậy Ban chỉ huy các tỉnh cần kiểm tra và thông báo về tình hình cơn bão để đảm bảo an toàn các công trình này.

Bên cạnh đó, đề phòng sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Những nơi nguy cơ phải sơ tán dân cưỡng bức.

Đối các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, yêu cầu phân công người vận hành túc trực tại các điểm xung yếu.

Tất cả các điểm xung yếu đê điều cần được rà soát lại và tăng cường kiểm tra.
 
(Theo Infornet)

Các tin khác

Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu tiếp tục nhân rộng kinh nghiệm điển hình bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lãnh đạo phường Yên Ninh trao đổi với người dân về phương án sắp xếp tổ dân phố trên địa bàn.

YBĐT - Thành phố hiện có 506 thôn, tổ dân phố. Tất cả các thôn, tổ dân phố đều không đảm bảo quy mô số hộ theo quy định. Thực hiện sắp xếp lại, thành phố sẽ còn 126 thôn, tổ dân phố (giảm 21 thôn, 359 tổ dân phố) và đồng nghĩa sẽ giảm gần 400 cán bộ không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố xã, phường.

Trong hôm nay (15/8), ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác; từ đêm 15/8 đến ngày 17/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 - 350mm/đợt).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục