Thôn Khe Chất là một trong những thôn "nóng” về tình trạng sinh nhiều con. Cả thôn chỉ có vỏn vẹn 20 hộ dân mà gần như cặp vợ chồng nào trong độ tuổi sinh đẻ cũng đông con. Điều đáng nói ở đây là có những cặp vợ chồng sinh đến 9 con, 10 con. Vợ chồng anh Chang A Tình đã sinh đến đứa con thứ 11, được người thân nuôi hộ 2 đứa, hiện họ vẫn tiếp tục mang thai.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lý Thị Đa - Cộng tác viên dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thôn Khe Chất cho biết: "Với trách nhiệm, mình đã cố gắng thuyết phục các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai để KHHGĐ. Khi được tuyên truyền, nhiều cặp vợ chồng đã đăng ký sử dụng các dịch vụ như đặt vòng, nhận thuốc uống tránh thai, sử dụng bao cao su… Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn khoảng từ 2 đến 3 tháng là họ lại dừng và rồi lại mang thai. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà chúng tôi khó mà nắm bắt hết được”.
Được biết, Khe Chất hiện có khoảng 50% cặp vợ chồng có từ 3 đến 5 con; 30% cặp vợ chồng sinh từ 6 đến 10 con; chỉ 20% cặp vợ chồng còn lại đang thực hiện đúng chủ trương sinh đẻ từ 1 đến 2 con.
Đáng buồn là tình trạng đó không phải chỉ diễn ra ở thôn Khe Chất mà có ở nhiều thôn khác.
Thôn Khe Kẹn nằm cách trung tâm xã 8 cây số, cả thôn có 76 hộ với 436 khẩu, trong đó có trên 30 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng hầu hết đều sinh từ 3 con trở lên. Hiện, trong thôn có 3 cặp vợ chồng sinh từ 8 đến 10 con.
Như trường hợp anh Sùng A Giống sinh năm 1985, lấy vợ được 15 năm mà đã có 8 mặt con. Tình trạng đông con dẫn đến đói nghèo đang đeo đẳng nhiều hộ trong thôn. Toàn thôn còn 15/76 hộ thuộc diện đói nghèo, trong đó có 5 hộ phải cứu đói giáp hạt hàng năm.
Ông Vừ A Chơ - Trưởng thôn Khe Kẹn chia sẻ: "Do tư tưởng lỗi thời, nhận thức còn hạn chế nên khi được tuyên truyền thực hiện KHHGĐ không ít trường hợp không hợp tác mà còn tỏ thái độ, phản đối gay gắt cho rằng "Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, con tôi đẻ, tôi nuôi... vì thế tuyên truyền vận động rất khó khăn”.
Với các thôn Pín Pé, Làng Lao, Làng Ca, Khe Căng chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông tình trạng cũng không khả quan hơn. Từ những vùng trũng đó, những năm gần đây dân số của Cát Thịnh tăng đột biến. Nếu năm 2016, dân số toàn xã có 9.536 khẩu thì năm 2018 này là 10.326 khẩu.
Số người thực hiện các biện pháp tránh thai cũng giảm nhiều so với những năm trước đây. Năm 2016, toàn xã có 1.500 phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai, 248 trường hợp chưa sử dụng thì năm 2017, số phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai giảm chỉ còn 1.439 người, 361 trường hợp chưa sử dụng (tăng 113 trường hợp so với năm 2016).
Bà Hà Minh Nguyên - Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã trao đổi: "Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của xã tăng là do địa bàn rộng, dân cư đông, trình độ dân trí còn hạn chế và quan niệm phải có con trai nối dõi vẫn còn nặng nề trong các gia đình. Mặt khác, dù bà con đã sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng do thực hiện không đúng cách mà vẫn mang thai...”.
Thực tế còn có nguyên nhân khách quan do phần lớn lực lượng cộng tác viên dân số phải kiêm nhiệm nhiều việc, tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa mạnh dạn trong công tác tuyên truyền về DS-KHHGĐ, dẫn đến chất lượng tuyên truyền chưa cao, việc triển khai thực hiện không hiệu quả”.
Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ của địa phương, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cát Thịnh cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện DS-KHHGĐ.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở về mục tiêu, chương trình, kế hoạch công tác dân số; hướng dẫn, đôn đốc các thôn thực hiện tốt công tác truyền thông về chuyển đổi hành vi nhằm tăng nhanh số người áp dụng các biện pháp tránh thai và tích cực thực hiện mô hình gia đình ít con; có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường hợp cố tình sinh con thứ ba trở lên...
Đức Hồng