Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2018 | 7:47:26 AM

YBĐT - Ngày 27/9 vừa qua, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài Nhà nước và một số kiến nghị cho Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế về phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước do Ban Nội chính Trung ương chủ trì vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo quốc tế về phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước do Ban Nội chính Trung ương chủ trì vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo. Đoàn đại biểu Yên Bái tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Hội thảo đã góp phần phân tích rõ hơn thực tế và sự cần thiết phải hoàn thiện về mặt luật pháp trong đấu tranh PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, phải phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Cụ thể là, thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN ở nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 10 năm đấu tranh PCTN ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, vướng mắc.
 
Luật PCTN vẫn mang tính hình thức, chủ yếu là những chế định hành chính, quy định về phòng ngừa tham nhũng chưa cụ thể và thiếu khả thi; tính cưỡng chế chưa cao; chưa có quy định về PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước để bảo đảm sự bình đẳng, tính đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, trong đó có kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tầm ảnh hưởng rộng lớn; đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII cũng đã xác định "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ghi nhận sự đóng góp này và đã đặt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển.
 
Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: "Phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân". Một trong đó là nạn tham nhũng đề cập trong nội dung Hội thảo này.
 
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy (thứ ba bên phải) trao đổi với cán bộ, lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ về công tác phòng chống tham nhũng.

Tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước ở Việt Nam đang được nhận diện ngày càng rõ ràng, cả về tính chất, đặc điểm và sự nguy hiểm; xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức cũng như ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của nền kinh tế. Các đại án tham nhũng thời gian qua được đưa ra xét xử với những tên tuổi như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm... là ví dụ điển hình. Thực tế cho thấy, đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vấn đề văn hóa và chuẩn mực đạo đức kinh doanh ("văn hóa doanh nghiệp"), chưa được chú trọng.
 
Hiện tượng tham nhũng, tham ô, hối lộ thương mại ở khu vực ngoài Nhà nước cũng đã có dấu hiệu "mầm mống" có nhằm tư lợi bất chính, làm ảnh hưởng nhất định đến việc bảo đảm môi trường kinh doanh liêm chính.
 
Một số loại hình tham nhũng (hoặc có tính chất như tham nhũng) phổ biến ở khu vực ngoài Nhà nước hiện nay là: đưa và nhận hối lộ, biển thủ quỹ, lập và giữ quỹ đen, rửa tiền, làm giả hồ sơ sổ sách, khai man chứng từ kế toán, gửi giá, thậm chí là lừa đảo; các hoạt động cấu kết trong đấu thầu, đấu giá, mua bán và sử dụng thông tin trái phép…
 
Từ đó đặt ra vấn đề, phải tìm cho ra căn nguyên gốc rễ của vấn nạn tham nhũng mới hy vọng giải quyết được triệt để, mà trong đó chiếc gậy lớn là luật pháp. Nếu luật pháp không kịp thời điều chỉnh thì khó có thể PCTN một cách hiệu quả, toàn diện; khó có được sự liêm chính trong kinh doanh.
 
Mặt khác, PCTN tốt ở khu vực ngoài Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng ở khu vực công.
 
Ngoài tham nhũng "vặt” thì loại hình tham nhũng phổ biến nhất hiện nay trong khu vực công là sự cấu kết lợi ích giữa 2 khu vực công - tư để trục lợi; sự móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
 
Bản thân khu vực kinh tế tư nhân thường trở thành sân sau, là đích đến về mặt lợi ích kinh tế của tội phạm tham nhũng trong khu vực công. Nếu môi trường kinh doanh được liêm chính, minh bạch thì những mối quan hệ "đen” của tham nhũng công – tư cũng dễ bị công khai, dễ dàng để "chặn cửa" các hành vi tham nhũng trong khu vực công.
 
Cho nên, việc mở rộng các quy định về PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, là xu thế chung của thế giới. Chế tài PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước rất cần thiết để bảo đảm sự ổn định xã hội, lợi ích của người dân; nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, tài chính, các công ty đại chúng có hàng chục ngàn cổ đông.

Với trách nhiệm của quốc gia thành viên, Việt Nam đang nỗ lực nội luật hóa các yêu cầu và khuyến nghị của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, nhằm mục đích bảo vệ sự phát triển bình đẳng, lành mạnh, minh bạch của nền kinh tế.
 
Trong đó, Bộ luật Hình sự hiện hành đã có một bước đổi mới, quy định đối với các tội phạm về chức vụ; đáng chú ý là tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước (Điều 352); tội danh tham nhũng được quy định cụ thể gồm tội tham ô tài sản tại Điều 353 và tội nhận hối lộ tại Điều 354. Tuy nhiên, so với yêu cầu, pháp luật Việt Nam về PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn có nhiều khoảng trống và hạn chế.
 
Để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Hình sự, Luật PCTN cũng cần sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể về chủ thể, hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước; đây cũng là yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 10 ngày 26/12/2016 đối với nhiệm vụ từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước.

Dù đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác PCTN nói chung, PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước nói riêng được ghi nhận trong thời gian qua, song đây vẫn là vấn đề còn rất mới ở Việt Nam nên việc tiếp cận, điều chỉnh hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước còn rất nhiều trở ngại.
 
Vấn đề đòi hỏi trước hết phải dựa trên lợi ích cộng đồng, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, không phát sinh thêm thủ tục phiền hà; điều chỉnh theo hướng đa chiều, linh hoạt, mềm dẻo; kết hợp giữa hướng dẫn, khuyến khích và các biện pháp mang tính áp đặt trách nhiệm pháp lý; không quá hình sự hóa các hành vi tham nhũng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nên khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tự phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm liêm chính trong doanh nghiệp của mình.

Công tác PCTN được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài. Trong bối cảnh tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác PCTN, trong đó có PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước, vấn đề cốt lõi nhất là phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trên tất cả các phương diện; kiểm soát tài sản, thu nhập cả ở khu vực công và tư; loại bỏ bằng được cơ chế xin – cho; tăng cường minh bạch, liêm chính trong toàn xã hội. Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa điều đó bằng việc tiến hành xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về PCTN. Hy vọng là Luật PCTN khi được thông qua sẽ nội luật hóa đầy đủ các yêu cầu và khuyến nghị của Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

Hoàng Văn Yên (Ban Nội chính Tỉnh ủy)

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Giải bóng chuyền hơi

YBĐT - Sáng 14/10, Tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Ngày hôi "Tôi yêu Tổ quốc tôi" chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2018).

Lãnh đạo huyện Văn Yên trao giải nhất cho ý tưởng khởi nghiệp của dự án “Sản xuất và thương mại máy cấy lúa không động cơ” của thí sinh Nguyễn Văn Huỳnh, xã An Thịnh.

YBĐT - Ngày 13/10, UBND huyện Văn Yên tổ chức chung kết cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp” trong đoàn viên, thanh niên huyện Văn Yên, lần thứ nhất năm 2018.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến quan điểm của mình về dự thảo luật.

Tuần qua, Ủy ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội) nhóm họp tại Đà Nẵng để bàn về một số báo cáo và dự thảo luật để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội khóa đến. Khi bàn về dự thảo "Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” đã xuất hiện những tranh luận xung quanh dự thảo này.

YBĐT - Những sản phẩm của hội viên phụ nữ Yên Bái làm ra đã được đón nhận trên các thị trường ngoài tỉnh. Nhiều hội viên còn mở thêm các ngành nghề sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ để làm ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Những kết quả đó chính là việc hiện thực hóa Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục