Tuy nhiên, những lợi ích từ PHCN sớm đem lại cho người bệnh là rất lớn, không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi chữa bệnh mà còn giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
Chị Đào Xuân Bính (Văn Chấn) đã từng phẫu thuật thành công tái tạo dây chằng khớp gối nhưng sau đó chị không thực hiện PHCN và cho rằng đây là việc làm nhỏ, có thể về nhà tự tập luyện.
Chị Bính chia sẻ: "1 tháng ở nhà tôi cũng tự tập luyện song không đúng kỹ thuật nên cơ chân bị teo dần, khớp gối bị hạn chế vận động, phải di chuyển bằng 2 nạng, chân không chạm đất. Sau 23 ngày ở Khoa Y học cổ truyền (YHCT) và PHCN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tôi được các bác sỹ và kỹ thuật viên hướng dẫn, chăm sóc tận tình bằng nhiều bài tập nên giờ tôi đã có thể tự đi lại độc lập. Nếu cho tôi được làm lại, tôi sẽ thực hiện PHCN sớm”.
Quả thực, PHCN sớm, song song với quá trình điều trị sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tránh được các thương tật thứ cấp và rút ngắn thời gian điều trị cũng như phục hồi ở giai đoạn sau.
Cùng thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối như chị Bính, song 4 ngày sau đã thực hiện PHCN, bệnh nhân Lương Trọng Hiếu ở thành phố Yên Bái đã gập được khớp gối 110o chỉ sau 1 tuần PHCN. Sức khỏe và khả năng vận động của bệnh nhân Hiếu đã được phục hồi rất nhanh sau đó.
Chị Mitani Shoko là người có 16 năm kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản chuyên ngành vận động trị liệu - tình nguyện viên tổ chức Jica đến làm việc tại Khoa YHCT và PHCN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Ở Nhật, bệnh nhân sau phẫu thuật ngoại chỉnh hình, đột quỵ sẽ thực hiện PHCN ngay. Còn tại đây, người bệnh sau khi được điều trị ổn định thường trở về nhà, tự tập luyện PHCN nhưng lại không biết cách tập đúng. Việc làm đó sẽ gây ra nhiều hậu quả: cứng khớp, teo cơ, loét tỳ đè, viêm phổi... Việc tập PHCN muộn sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống, có thể sẽ để lại di chứng suốt đời không thể phục hồi”.
Trước đây, PHCN chỉ là một đơn nguyên nhỏ thuộc Khoa Nội AB của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ). Nhận thấy sự quan trọng của PHCN sớm, ngay khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh (quy mô 500 giường tại xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái) đi vào hoạt động (tháng 10/2016), PHCN đã trở thành một khoa chuyên biệt mang tên Khoa Y học cổ truyền và PHCN với 2 đơn vị chuyên ngành là y học cổ truyền và PHCN.
Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Anh - quyền Trưởng khoa YHCT và PHCN cho biết, Khoa đang chăm sóc, điều trị và PHCN cho các nhóm bệnh: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, chấn thương chỉnh hình, các bệnh lý về xương khớp...
Với 2 phòng vật lý trị liệu, thực hiện nhiều kỹ thuật vật lý trị liệu cho người bệnh như siêu âm trị liệu, ánh sáng trị liệu, nhiệt trị liệu, sóng cao tần, sóng xung kích, điện từ trường... 1 phòng vận động trị liệu thực hiện các bài tập thay đổi, tập theo tầm vận động khớp, tập mạnh cơ, tập kéo giãn, tập thăng bằng - điều hợp, tập dáng đi; 1 phòng điện châm - hoạt động trị liệu giúp bệnh nhân thực hiện các kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt và đời sống, cải thiện các chức năng nhận thức cao cấp của hệ thần kinh như: trí nhớ, tư duy trừu tượng, tư duy logic...
Từ năm 2018, Khoa còn triển khai phòng khám trực tiếp tại Khoa, giúp cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh nhân đến tái khám có thể yêu cầu chỉ định bác sỹ đã từng điều trị cho mình thăm khám để quá trình điều trị được liên tục, không bị gián đoạn.
Những di chứng liên quan tới vận động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, công việc hay làm giảm chất lượng cuộc sống của họ mà còn là gánh nặng của gia đình, xã hội, chính vì thế PHCN sớm là hoạt động cần thiết để giúp người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống.
H.A