Từ các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua từng năm được thể hiện qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới; tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại.
Hiện ba tiêu chí này ở Việt Nam đều có tỷ lệ cao so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ (Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ). Hơn thế, tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại tăng rất cao và phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi, nông thôn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng 74,3%. Trong đó, người dân ở các địa phương vùng cao dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu cũng là điều hết sức đáng bàn.
Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thực quản...); gây rối loạn tâm thần; bệnh tim mạch; bệnh tiêu hóa... mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội đó là: bạo hành gia đình, tội phạm, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, bất bình đẳng giới...
Mặt khác, gần đây nhiều vụ ngộ độc do sử dụng phải rượu giả, rượu pha chế từ cồn công nghiệp đã khiến nhiều người mất mạng. Nhiều vụ buôn bán trái phép, kinh doanh rượu lậu cũng được cơ quan chức năng phanh phui.
Trước thực trạng trên, tháng 7/2015, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, hiện các tỉnh, thành phố đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật và đã hoàn thiện hồ sơ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội.
Tỉnh Yên Bái đã có 28 ý kiến từ cơ quan chức năng, các đại biểu đã có 7 ý kiến xác đáng để góp ý vào dự thảo Luật, những vấn đề đề ra đều rất sát với thực tế tại cơ sở, cần có sự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành trên cả nước đã có những biện pháp kiểm soát bước đầu như: cấm sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, trong bữa ăn trưa ngày làm việc; xử phạt các vi phạm lạm dụng rượu bia đối với công chức, viên chức, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc rượu, bia...
Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, hạn chế lạm dụng rượu bia nhưng việc tuân thủ pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng rượu bia còn rất thấp, nhất là các hộ tự sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ còn nhiều bởi lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ.
Nguyên nhân chính do rượu, bia là mặt hàng rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi và pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, chưa điều chỉnh đầy đủ nên chưa hiệu quả và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Để đẩy lùi tình trạng lạm dụng rượu bia trong cộng đồng, ngăn chặn rượu lậu tràn vào từ các quốc gia khác, ngăn chặn rượu giả, rượu kém chất lượng sản xuất trong nước, Chính phủ cần sớm ban hành Luật
Phòng, chống tác hại của rượu bia; quy định rõ chất lượng rượu tự nấu; có chế tài xử phạt nghiêm đối với vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng rượu… Từ đó mới từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.
Trần Minh