Nghị định số 146 với nhiều điểm mới đáng chú ý được thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP, với mục tiêu cập nhật chính sách cho phù hợp tình hình mới; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thời gian qua.
Nghị định số 146 quy định, đối tượng tham gia BHYT thành 6 nhóm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do cơ quan BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái cho biết: "Nghị định số 146 quy định rõ ba mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80%, 95% và 100%. Trong đó, có 5 trường hợp được hưởng toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Cụ thể: hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng”.
Theo đó, hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi.
Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB tại tuyến xã; hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở và hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến.
Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, từ ngày 1/12/2018, mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau: hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Cùng với việc quy định một số điểm mới đáng chú ý như: bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình (không bắt buộc tham gia cùng thời điểm), Nghị định số 146 cũng quy định chi tiết hơn hồ sơ, điều kiện, nội dung và mẫu hợp đồng KCB BHYT; bỏ quy định giao quỹ KCB cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã), thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; bổ sung quy định mới về công nghệ thông tin trong quản lý KCB BHYT…
Nghị định cũng quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT. Theo BHXH tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 10/2018, toàn tỉnh có 783.410 người tham gia BHYT, đạt 100,6% kế hoạch năm về tỷ lệ người được cấp thẻ BHYT.
Việc thay thế thẻ BHYT từ chất liệu giấy sang thẻ điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi thực hiện giao dịch đăng ký đóng, hưởng chế độ BHYT. Đồng thời giúp cơ quan BHXH dễ dàng quản lý công tác KCB BHYT.
Hồng Duyên