Tập quán du canh, du cư có từ lâu đời, nhất là trong đồng bào dân tộc Mông, sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình trạng di cư tự do trên địa bàn Yên Bái giảm hẳn. Tuy nhiên, tình hình di cư tự do vẫn còn diễn ra phức tạp, chủ yếu là đồng bào Mông thuộc hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, đã có 37 hộ người Mông với 174 khẩu di cư tự do.
Trong đó, một số hộ đã ổn định đời sống, sản xuất ở nơi ở mới như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và một số tỉnh Tây Nguyên song có tác động quay trở lại quê cũ để lôi kéo bà con bỏ làng ra đi. Ngược lại, một số hộ di cư đã trên dưới 20 năm nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định; đặc biệt trong đó có 3 hộ người Mông thuộc huyện Trạm Tấu di cư về xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, thực hiện việc xâm canh, xâm cư, chiếm dụng đất với ý định sinh sống lâu dài và kéo theo nhiều người Mông ở các tỉnh khác cùng về đây chiếm dụng đất, lập làng mới...
Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình không sắp xếp và bố trí cho người dân ở tại khu vực này; đồng thời, đề nghị tỉnh Yên Bái phối hợp vận động bà con tháo dỡ nhà cửa, hồi cư, ổn định cuộc sống.
Vấn đề xuất cảnh trái phép còn diễn ra phức tạp hơn. Thống kê cho thấy, năm 2014, toàn tỉnh có 295 vụ với 490 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; năm 2015, toàn tỉnh có 214 vụ, 451 trường hợp xuất cảnh trái phép, trong đó; sang Trung Quốc 210 vụ, 432 trường hợp; sang Lào 2 vụ, 17 trường hợp; sang Campuchia 2 vụ, 2 trường hợp.
Trước tình hình kể trên, ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Chỉ thị số 07 về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Thực hiện Chỉ thị trên, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép.
Đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, nguyên nhân của tình trạng di cư tự do và xuất cảnh trái phép là công tác vận động tuyên truyền của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, chính sách, pháp luật đối với công tác định canh, định cư chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu điều kiện để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất (ít ruộng đất, thiếu nước canh tác và sinh hoạt, kết cấu hạ tầng cơ sở yếu kém), trong khi phần lớn các hộ gia đình lại đẻ nhiều con (bình quân mỗi cặp vợ chồng có từ 5 đến 7 con)... dẫn đến cuộc sống khó khăn, bế tắc, muốn tìm đến nơi ở mới với mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Do mối quan hệ đồng tộc, thân tộc cùng đặc điểm tâm lý "dễ tin, dễ nghe” nên đồng bào dễ bị kẻ xấu, nhất là bọn phản động, thù địch lôi kéo, kích động.
Như chúng ta đã biết, di cư tự do và xuất cảnh trái phép để lại nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở nơi di cư và nơi di cư đến đều rất khó khăn trong việc quản lý địa bàn dân cư.
Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề di cư và xuất cảnh trái phép nhằm tuyên tuyền, kích động người dân, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chế độ, gây mất ổn định xã hội; chúng còn gây mâu thuẫn trong đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm thực hiện mưu đồ xấu, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng bào di cư tự do, xuất cảnh trái phép sẽ lâm vào cuộc sống ngày càng khốn khó hơn khi mà không có hộ khẩu thường trú nên không được hưởng các chính sách và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tại địa phương nơi di cư đến.
Chưa kể, nơi di cư đến là vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển và kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu sự quản lý của các cấp chính quyền sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về trật tự an toàn xã hội. Những người xuất cảnh trái phép cũng gặp rất nhiều rủi ro trong thời gian ở nước ngoài như: bị các cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, chủ sử dụng lao động đánh đập, quỵt tiền công hoặc có trả nhưng không đúng thỏa thuận ban đầu. Không ít người sang Trung Quốc làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện ăn ở không bảo đảm, không có bảo hộ lao động.
Hết mùa, hết vụ hoặc khi chủ sử dụng lao động không còn nhu cầu thuê mướn đã báo cơ quan chức năng đến bắt giữ, rồi trục xuất nhằm mục đích... quỵt tiền công. Không ít người lao động Việt Nam, trong đó có Yên Bái sang Trung Quốc làm việc một thời gian khi trở về đã thân tàn, ma dại, mắc nghiện, thậm chí tử vong, không đưa được thi hài về hoặc đưa được về cũng khó khăn và hết sức tốn kém cho người thân, gia đình.
Vấn đề di cư tự do và xuất cảnh trái phép diễn ra rất phức tạp và để lại nhiều hậu quả xấu. Để giải quyết vấn đề này cần có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ như: hành chính, kinh tế, giáo dục, tuyên truyền, vận động. Trong đó, hỗ trợ về kinh tế là biện pháp quan trọng, giúp bà con phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, từ đó gắn bó với quê hương, làng bản của mình.
Đồng thời, đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận an ninh vững chắc; tuyên truyền cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, nhất là các thủ đoạn của bọn tội phạm tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, mua bán người... những hậu quả khôn lường khi rời bỏ quê hương, lao động, sinh sống bất hợp pháp ở nước ngoài...
Lực lượng công an cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý hành chính, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, nắm chắc biến động dân cư, lao động, nắm vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với những dấu hiệu, những hành vi dụ dỗ, lôi kéo di cư, xuất cảnh trái phép và hoạt động mua bán người...
Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, vùng cao Yên Bái đang từng bước đổi mới, đời sống, sản xuất đã và đang có những bước phát triển. Đồng bào vùng cao cần khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Đừng rời bỏ quê hương, xuất cảnh trái phép, bởi nơi ấy có nhiều cạm bẫy, nhiều hệ lụy xấu luôn rình rập!
Từ tháng 4/2016 đến 31/5/2018 có 451 vụ, 811 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu thuộc các huyện: Mù Cang Chải (267 trường hợp), Văn Yên (192 trường hợp), Văn Chấn (147 trường hợp), Lục Yên (51 trường hợp), Trấn Yên (49 trường hợp), Trạm Tấu (46 trường hợp)...
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã phát hiện, đấu tranh làm rõ 8 vụ với 12 bị can về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, 14 vụ với 32 bị can về tội "Mua bán người” và "Mua bán trẻ em” với 18 nạn nhân bị mua bán.
|
Lê Phiên