Tháng 7 năm 2018, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu thành công một nữ bệnh nhân bị phản vệ nguy kịch. Đây được xem là trường hợp cực kỳ hy hữu, được các chuyên gia gọi là "thần kỳ”. Vậy sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Nếu triệu chứng bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, gặp ở mọi nơi, các bệnh viện và cơ sở y tế .., nhiều trường hợp đã tử vong.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ chứ không chỉ đơn thuần là do tiêm vacxin như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da... đều có thể gây sốc phản vệ; trong đó, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê… Những loại thức ăn có nguồn gốc động thực vật có thể gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, tôm, tép, ốc, nhộng, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành, các loại hạt và các chất phụ gia… Nhiều trường hợp bị côn trùng như ong đốt, rắn, rết, bọ cạp, nhện… cắn thì lượng độc tố trong nọc côn trùng tiết ra sẽ gây sốc phản vệ cho nạn nhân... Cuối cùng là các nguyên nhân khác như phấn hoa, nhựa cây…
Bệnh nhân bị sốc phản vệ có nhiều biểu hiện, với hệ hô hấp, bệnh nhân thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp do co thắt phế quản gây nghẹt thở. Sốc phản vệ gây phù dây thanh, phù khí quản, co thắt phế quản có trường hợp phù phổi.
Hệ tim mạch, sốc phản vệ làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch thường xuất hiện sớm do hậu quả của các chất hóa học đưa vào cơ thể. Thiếu oxy trong máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan máu và giảm co bóp cơ tim là giai đoạn nặng của sốc phản vệ. Hệ thần kinh, bệnh nhân nhanh chóng bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê.
Hệ tiêu hóa, nếu bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, tiêu chảy không kiểm soát, thậm chí chảy máu tiêu hóa. Da của người bị sốc phản vệ bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).
Sốc phản vệ được chia ra 3 mức độ diễn biến là nhẹ, trung bình và nặng.
Diễn biến nhẹ với những triệu chứng đau đầu, sợ hãi, chóng mặt, có thể có nổi mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, đại- tiểu tiện không tự chủ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở.
Diễn biến trung bình: bệnh nhân hoảng hốt, sợ chết, choáng váng, ngứa ran khắp người, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, đau bụng, da tím tái, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được.
Diễn biến nặng xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được, tử vong sau vài phút, hãn hữu kéo dài vài giờ.
Chú ý những diễn biến muộn xảy ra sau sốc phản vệ như viêm cơ tim dị ứng, viêm thận, viêm cầu thận. Những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong. Có trường hợp sốc phản vệ đã được xử lý nhưng 1-2 tuần sau đó xuất hiện triệu chứng hen phế quản, mày đay, phù Quincke tái phát nhiều lần.
Mức độ nặng nhẹ của sốc phản vệ phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Những dấu hiệu sớm cần lưu ý: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.
Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra thì diễn tiến sẽ rất nhanh, trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống, có những trường hợp tử vong quá nhanh và bất ngờ ngay trước mặt đội ngũ bác sỹ có chuyên môn giỏi và phương tiện kỹ thuật cực kỳ hiện đại.
Trường hợp bệnh nhân Hoàng Tuấn A, 69 tháng tuổi tử vong mới đây là một thí dụ. Bệnh nhân nhập viện để phẫu thuật nạo VA và cắt Amidan.
Trước khi phấu thuật, bênh nhân đã được làm đầy đủ các xét nghiêm cơ bản, khám lâm sàng, khám gây mê trước mổ để đủ điều kiện phẫu thuật (bệnh nhân không có tiền sử dị ứng thuốc và thức ăn).
Sáng 19/11, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Gây mê phẫu thuật – Hồi sức để tiến hành phẫu thuật theo kế hoạch. Sau khi tiến hành gây mê và đặt nội khí quản để thông khí nhân tạo (kiểm tra đường thông khí tốt) thì đột ngột xuất hiện điện tim là đường đẳng điện trên monitor, da bệnh nhân nhợt nhạt. Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn do nghi phản ứng phản vệ.
Các bác sỹ đã lập tức tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ (ép tim ngoài lồng ngực – bóp bóng có ô xy 100% quan đường nội khí quản – Aderealin 1/3 ống trên tĩnh mạch 1p/l).
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã tăng cường thêm các bác sỹ từ Khoa Hồi sức tích cực và Khoa Nhi, đặc biệt là sự có mặt của Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (bác sỹ Đặng Quốc Tuấn là bác sỹ hàng đầu về hồi sức cấp cứu đang có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái để chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ Yên Bái). Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Bác sỹ Nguyễn Song Hào – Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái tâm sự: Trong suốt quá trình làm việc và cả trong giai đoạn làm nghiên cứu sinh, bản thân đã gặp những ca phản vệ nguy kịch. Đây là loại bệnh quá nhanh và nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai. Bệnh nhân tử vong trước sững sờ của người thân và đội ngũ thầy thuốc bởi căn bệnh quái ác này.
Tấn Đạt