P.V: Được biết, năm 2018, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, xin ông đánh giá khái quát kết quả này?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Tính đến ngày 20/11, lũy tích số người nhiễm HIV có địa chỉ tại Yên Bái là 5.783 người; lũy tích số tử vong 1.555 người; trong đó, hiện còn sống 4.228 và có 2.218 người được quản lý. Theo đó, tỷ lệ hiện nhiễm HIV toàn tỉnh là 0,52%; số bệnh nhân nhiễm HIV mới phát hiện theo huyện, thị là 128 người (giảm so với năm 2017 là 183 người).
Có được kết quả này, công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS đã được 100% các xã, phường, thị trấn triển khai. Theo đó, tổ chức 1.696 buổi truyền thông dưới nhiều hình thức và được phủ rộng trên khắp các địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng tư vấn và cộng đồng được 35.341 mẫu, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Mặt khác, hoạt động chăm sóc và điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có 1.589 bệnh nhân (47 trẻ em) đang điều trị, năm 2018, điều trị mới cho 137 người.
Ngoài ra, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có 23/24 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị lây truyền mẹ con, 21/21 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng, đạt 100%. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để sàng lọc đồng nhiễm lao/HIV nhằm tăng cường điều trị hiệu quả cho người bệnh. Trong năm, đã tiếp nhận 9 bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV đến điều trị ARV.
Hơn thế, kịp thời tư vấn và điều trị cho 9 người không may phơi nhiễm với HIV. Cùng với đó, định kỳ tổ chức xét nghiệm tải lượng HIV và CD4 cho người nhiễm, trên 90% người nhiễm được xét nghiệm đo tải lượng vi rút và đo tế bào miễn dịch để theo dõi kết quả và chất lượng điều trị.
P.V: Thưa ông, Tháng HĐQG phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!” ở Yên Bái được triển khai như thế nào?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Hưởng ứng Tháng HĐQG phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Trung tâm đã chủ động tham mưu giúp Sở Y tế, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, phối hợp với các đơn vị, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn phát sóng các thông điệp, phóng sự, xây dựng chuyên đề, tin bài về phòng, chống HIV/AIDS; treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tháng hành động; tổ chức tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV trong những đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng dân cư, các điểm điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt việc giám sát các hoạt động triển khai Tháng HĐQG tại cơ sở; duy trì và tăng cường triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm sớm hoàn thành mục tiêu 90-90-90 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
P.V: Trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, bên cạnh những thuận lợi còn những khó khăn gì, thưa ông?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Công tác phòng, chống HIV/AIDS nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, Sở Y tế và sự vào cuộc, phối hợp từ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở như: Báo Yên Bái, ngành tài chính, công an...
Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ về nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật của một số dự án quốc tế như: Quỹ Toàn cầu, AHF... trong công tác điều trị, can thiệp giảm hại cũng như hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.
Mặc dù trong những năm gần đây, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm ở Yên Bái đang có chiều hướng giảm, tuy nhiên, vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát: tỷ lệ bao phủ về can thiệp giảm hại cho đối tượng nguy cơ cao chưa đạt yêu cầu, mới triển khai 29/45 xã, phường trọng điểm về HIV do nguồn lực rất hạn chế; nhận thức về dự phòng lây nhiễm HIV của một bộ phận người dân đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS hoạt động kiêm nhiệm, chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, cán bộ được đào tạo luân chuyển sang làm chuyên môn khác; kinh phí hoạt động chưa đáp ứng hết được nhu cầu nhiệm vụ do bị cắt giảm, năm 2019 - 2020 sẽ cắt toàn bộ.
P.V: Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, tiến tới khống chế và đẩy lùi HIV/AIDS, xin ông cho biết những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới?
Bác sỹ Phan Duy Tiêu: Với vai trò là cơ quan thường trực về phòng, chống HIV/AIDS, đơn vị sẽ chủ động chỉ đạo và trực tiếp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: tăng cường truyền thông, giảm kỳ thị phân biệt đối xử về HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV (chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, Methadone); tiếp tục giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm không chuyên tại xã, phường; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, điều trị ARV ngay khi bệnh nhân có kết quả khẳng định dương tính; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị, đảm bảo 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tranh thủ và vận động nguồn lực từ các dự án quốc tế…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)