Năm 2016, khi trích nộp KPCĐ, các đơn vị thực hiện nộp sẽ được trích lại 66%/ tổng số nộp. Lộ trình đến năm 2025, các đơn vị sẽ được trích lại 75%/ tổng số kinh phí trích nộp. Khoản tiền này được sử dụng cho các hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn.
Vì vậy, việc trích nộp KPCĐ thời gian qua đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa thực hiện nghiêm việc trích nộp KPCĐ theo quy định. Do đó, kết quả thu KPCĐ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước bình quân trong 5 năm gần đây chưa cao.
Cụ thể: doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt 70%, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đạt 5%. Tỷ lệ thất thu KPCĐ bình quân hàng năm là 30% so với dự toán.
Nguyên nhân do phần lớn các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, lao động bình quân dưới 20 người/đơn vị, sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp nợ đọng BHXH còn lớn.
Các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái chưa phát triển, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới chiếm khoảng 8,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho NLĐ khi thực hiện đóng KPCĐ.
Tổ chức công đoàn ở một số nơi chưa thuyết phục được chuyên môn để trích chuyển KPCĐ cho công đoàn hoạt động cũng như trích nộp lên cấp trên theo quy định.
Trích nộp KPCĐ đã được quy định trong Luật Công đoàn năm 2012; Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ về tài chính công đoàn.
Để thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, đoàn viên công đoàn các cấp trong việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã; các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam và các tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng trên địa bàn tỉnh, không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cần thực hiện nghiêm túc việc trích nộp KPCĐ mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.
Riêng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng KPCĐ theo tháng hoặc quý cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.
Mặt khác, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan cần đề cao trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trích nộp KPCĐ bảo đảm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện trích nộp, quản lý và sử dụng KPCĐ theo quy định; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thuế cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng KPCĐ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng KPCĐ...
Khánh Linh