Những năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trạm Tấu luôn khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh công tác xét xử các loại án.
Để nâng cao chất lượng xét xử các loại án, TAND huyện đã luôn bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong xét xử các vụ án hình sự, Tòa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nâng cao chất lượng truy tố, xét xử nghiêm minh, cũng như sự khoan hồng của pháp luật đối với từng bị cáo, bảo đảm tính răn đe và phòng chống tội phạm.
Những năm gần đây, án hình sự trên địa bàn huyện có chiều hướng tăng cả số vụ và đối tượng vi phạm với các tội danh, như: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy; án liên quan đến xâm phạm tính mạng; gây rối trật tự công cộng…
Năm 2017, án hình sự thụ lý 33 vụ/41 bị cáo, đã xét xử 31 vụ/38 bị cáo. Năm 2018, án hình sự thụ lý 32 vụ/56 bị cáo (án tồn năm 2017 chuyển sang 2 vụ/2 bị cáo, thụ lý mới 30 vụ/ 54 bị cáo), đã xét xử 31 vụ/52 bị cáo, 1 vụ tiếp tục xem xét giải quyết trong thời gian luật định.
Ông Vũ Xuân - Chánh án TAND huyện Trạm Tấu cho biết: "Tất cả 100% các vụ án trước khi đưa ra xét xử đều được các thẩm phán, hội thẩm nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng khi áp dụng pháp luật trong từng vụ án cụ thể, đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để quyết định hình phạt nghiêm minh, đúng pháp luật. Do vậy, công tác xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, không để án quá hạn luật định".
"Việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và tạo mọi điều kiện để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ hợp pháp. Các phán quyết của Tòa án chủ yếu dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, cũng như người có quyền lợi liên quan, do vậy, chất lượng xét xử các vụ án hình sự được nâng cao”.
Hiện nay, công tác thụ lý giải quyết các vụ án dân sự trên địa bàn huyện cũng được xem là vấn đề khá phức tạp. Hàng năm, trung bình trên địa bàn huyện xảy ra trên 40 vụ việc/năm. Nhiều vụ tranh chấp có liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Các đương sự này khi đến Tòa yêu cầu xem xét giải quyết nhưng thường không cung cấp được đầy đủ tài liệu liên quan.
Với nhiều vụ việc, Tòa phải cử cán bộ xuống tận hộ dân và phối hợp với chính quyền địa phương xem xét giải quyết. Tòa cũng chủ động tích cực hòa giải các vụ án dân sự, tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật, qua đó, các đương sự lựa chọn cách xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Tòa đã rất chú trọng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và người già, bảo vệ lợi ích sản xuất và bảo đảm cuộc sống của các đương sự. Thông qua công tác hòa giải án dân sự, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, 95% đương sự chấp nhận tự nguyện thi hành án, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, thời gian tới, TAND huyện Trạm Tấu chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, thư ký; thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được đề cao; tỷ lệ phiên tòa rút kinh nghiệm có luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa chiếm trên 70%...
Với những nỗ lực đó, nhiều năm liên tục, TAND huyện Trạm Tấu được công nhận tập thể lao động xuất sắc, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.
Thạch Phong