Để phòng chống và cai nghiện ma túy, thời gian qua, các lực lượng chức năng của huyện đã phối hợp đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các tụ điểm, đường dây buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy tại cộng đồng; gắn việc phòng chống tệ nạn ma túy với Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội cấp huyện và xã qua hàng năm đều được tập huấn nâng cao năng lực tại tỉnh, công tác cai nghiện đều được quan tâm.
Năm 2018, số người có quyết định xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy của Tòa án nhân dân huyện là 35 người, có 27 người đã thi hành quyết định của tòa án đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh.
Việc lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện ma túy được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có 105 người nghiện trên địa bàn được điều trị thay thế bằng Methadone. Số người đã hoàn thành thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy trở về được các địa phương theo dõi, quản lý, giám sát…
Dù đã đạt được một số kết quả nhưng Văn Chấn là huyện miền núi địa bàn rộng với 31 đơn vị hành chính, nơi sinh sống của 15 vạn dân với 18 dân tộc anh em, trình độ dân trí không đồng đều; địa hình lại phức tạp, trải dài theo quốc lộ 32, có nhiều vùng giáp ranh với các huyện trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác thi hành quyết định của Tòa án nhân dân huyện về việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc còn thấp và nhiều khó khăn do người nghiện thường bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi có quyết định của Tòa án. Việc phối hợp trong công tác cai nghiện tại cộng đồng, gia đình chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức.
Việc giải quyết các vấn đề xã hội cho người nghiện sau cai như dạy nghề, cho vay vốn, giải quyết việc làm còn hạn chế. Số người tham gia điều trị bằng Methadone có chiều hướng giảm. Nguyên nhân do một số người nghiện ở cách xa Trung tâm điều trị 40 – 50 km khó khăn trong việc đi lại, dẫn đến bỏ tham gia điều trị. Đây là những nguyên nhân dẫn đến công tác đấu tranh phòng chống và cai nghiện ma túy trên địa bàn Văn Chấn chưa thực sự hiệu quả.
Để phòng chống và cai nghiện ma túy hiệu quả, cùng đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá các tụ điểm, đường dây buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội huyện Văn Chấn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về những tác hại của ma túy; phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy tại cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đối tượng trẻ không sử dụng ma túy.
Tiếp tục gắn phòng chống tệ nạn ma túy với Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư và xây dựng nông thôn mới. Các xã, thị trấn cần làm tốt công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, hoặc điều trị bằng Methadone.
Bên cạnh quan tâm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xã hội, để công tác cai nghiện có hiệu quả, công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cần phải được quan tâm. Trong đó, các đối tượng sau cai nghiện cùng được giám sát quản lý của gia đình, cộng đồng, cần được các cơ sở dạy nghề đào tạo, tạo việc làm. Nếu được giám sát, quản lý, có công việc ổn định và có thu nhập thì sẽ tạo điều kiện cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống…
Nguyễn Đình