Trước kia, bà Liễu là giáo viên, ông Vinh là kỹ sư cầu đường nên đời sống ổn định, kinh tế hơn người. Họ có hai con, bọn trẻ được bố mẹ chăm sóc chu đáo. Mặc dù thời bao cấp, gạo đong theo tem phiếu, rau và thực phẩm phải xếp hàng, bữa cơm có đạm bạc nhưng không bao giờ phải độn ngô, sắn, bột mỳ như gia đình khác. Thậm chí, vào dịp cuối tuần, bọn trẻ cũng có chút thịt tươi. Hai đứa con của ông cũng học rất giỏi.
Nhà ông bà Lành – Chung thì trái lại. Bà Lành làm cấp dưỡng cho một công trường xây dựng, đi từ sớm đến tối mịt, đồng lương lại thấp, chỉ có thêm những thùng nước rác và lá rau già để chăn nuôi lợn, gà. Ông Chung làm nghề sửa xe đạp. Cũng may ông khéo tay và chịu khó nên nghề sửa xe cũng kiếm được chút thu nhập. Ông bà lại có tới những 5 đứa con. Sự học của các con cũng không được chu đáo. Chúng chỉ thích đi kiếm củi, làm lúa nương, đi chợ, hái rau nuôi lợn. Khó khăn là thế nhưng cả 5 anh chị em đều đoàn kết, yêu thương bố mẹ.
Thời gian trôi qua, con cái ông bà Liễu – Vinh đều trưởng thành. Người con trai nhận được học bổng, đi du học và định cư tại Pháp, lấy vợ người bản xứ sinh 2 đứa cháu trai. Cô con gái theo bước chân anh, cũng vinh dự được du học ở Anh, lấy chồng ngoại quốc, định cư tại Canada, sinh được 1 trai, 1 gái. Thế nhưng, 10 năm nay, chẳng có cái tết nào nhà ông bà có con cháu. May mắn thì nghỉ hè, bọn trẻ về thăm ông bà ít hôm.
Buồn nỗi, chúng không biết nói tiếng Việt, chàng rể, nàng dâu cũng "xì xồ” bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Bữa cơm sum họp nào cũng có đến hàng chục món ăn tây có, ta có, đũa có, dĩa dao có… Nhiều lúc muốn thể hiện tình cảm hay nói chuyện gì đều phải qua "phiên dịch”.
Gia đình bà Lành – Chung giờ đã khá hơn. Sau khi học hết phổ thông, 5 đứa con của ông bà đi học nghề. Họ đều chăm chỉ, khéo tay nên việc làm không hết, nhà cửa xây dựng khang trang. Mảnh vườn khi xưa giờ Nhà nước mở rộng con đường trở thành vị trí đẹp, ông bà đều chia đất cho 5 người con nên đại gia đình lại được ở sát cạnh nhau. Năm nào, gia đình ông bà cũng đạt danh hiệu gia đình văn hóa xuất sắc.
Đợt không khí lạnh đầu mùa làm bà Liễu, bà Lành đều bị tăng huyết áp đột ngột và nằm điều trị chung một phòng bệnh. Ngày ngày, con dâu, con rể, các cháu nội, ngoại nhà bà Lành thay nhau vào chăm sóc. Họ ân cần xoa bóp, nấu nướng, tắm rửa, bón ăn cho mẹ. Giường bên, bà Liễu nằm một mình, cả ngày cũng chỉ có mình ông Vinh đi lại, mọi sinh hoạt bà đều phải cố gắng, bữa trưa phải nhờ người mua hộ cơm ăn ở căng tin.
Thấy cảnh đó, bà Lành quay sang bảo với các con: "Bác ấy không có con cái ở gần, các con chăm mẹ thì giúp bác ấy luôn. Lúc nào mang cơm cho mẹ thì nấu luôn cả cho bác ấy, mẹ ăn uống cũng vui”. Hôm ra viện, ngồi trên chiếc taxi mà con trai bà Lành thuê, bà Liễu nói: "Tôi cảm ơn bà nhiều lắm! Bà quả là may mắn và có phúc. Sống từng này tuổi tôi đã hiểu sống cô đơn đáng sợ như thế nào. Giá như các con tôi cũng ở gần thì đỡ tủi biết bao”.
Bà Lành ôm lấy bà Liễu như người trong nhà. Bà hiểu lắm những tâm tư mà bà Liễu đang trải qua, bà thấy mình may mắn và thầm cảm ơn cuộc sống khó khăn khi xưa đã dạy cho con bà những bài học về sự sẻ chia và thông cảm.
Nguyễn Thanh