6 tháng đầu năm 2018, có 72 người nhiễm HIV mới (giảm 17,2% so với cùng kỳ), 8 người tử vong do AIDS (giảm 38,5% so với cùng kỳ). Những kết quả đó trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh này là do sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gần 1.700 buổi truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn dân cư; trên 35.300 mẫu xét nghiệm HIV ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế, các phòng tư vấn và cộng đồng; 23/24 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị lây truyền mẹ con, 21/21 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thách thức đầu tiên phải kể đến chính là vấn đề kinh phí cho các dịch vụ liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Hiện nay, kinh phí cho các hoạt động như điều trị, can thiệp giảm tác hại, các dịch vụ của người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của các dự án, các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ này cũng sắp hết thời hạn.
Thời gian tới, để thanh toán chi phí xét nghiệm và điều trị ARV cho người nhiễm HIV sẽ thông qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT). Thế nhưng, một số bệnh nhân nhiễm HIV không quan tâm đến thẻ BHYT, bởi họ được cấp thuốc miễn phí, một số khác vẫn có tâm lý dè dặt, e ngại khi tham gia BHYT vì sợ bị công khai danh tính.
Bên cạnh đó, sự phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm và nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV như phụ nữ bán dâm, người nghiện chích ma túy dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, vô tình tạo ra rào cản trong việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm để được tư vấn điều trị. Người bệnh thường đến trong giai đoạn muộn và phải kết hợp nhiều biện pháp và mất nhiều thời gian mới tiếp cận, quản lý được.
Đặc biệt, do tâm lý và trình độ nhận thức việc tư vấn, đưa bệnh nhân vào các cơ sở cai nghiện ma túy thay thế bằng Methadone cũng gặp khó khăn. Hiện nay, có trên 1.000 bệnh nhân điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đó vẫn là một con số khiêm tốn so với tổng số người nghiện ma túy thực tế từ 2.300 - 2.700 người.
Trước những khó khăn hiện nay, bên cạnh việc tìm thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy; đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV (chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, Methadone)…
Cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS là cuộc chiến lâu dài, bền vững cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để từng bước đẩy lùi HIV/AIDS ra khỏi đời sống xã hội.
Lê Thương