Ông Phạm Duy Hưng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Công tác tuyển sinh đào tạo nghề của các trường trong năm khá thuận lợi, đặc biệt việc tuyển sinh trình độ trung cấp tăng mạnh so với năm 2017, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tổ chức các lớp liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với các trường cao đẳng, trung cấp ngoài tỉnh. Do đó, kế hoạch năm 2018 đề ra đào tạo nghề cho 15.800 lao động, tuy nhiên đến hết năm, đã có 16.825 lao động trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề, đạt 106,5% so với kế hoạch năm”.
Kết quả, số lao động được đào tạo năm 2018 trình độ cao đẳng 1.501 người; trung cấp nghề 3.323 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 12.001 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 5.539 người.
Đạt được kết quả trên, cùng với sự chỉ đạo sát sao trong đó có những giải quyết khó khăn lĩnh vực đào tạo nghề, tỉnh đã phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đây chính là cơ sở định hướng hoạt động đào tạo gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, thống nhất về đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động; cơ sở đào tạo, nhất là các trường có nghề được đầu tư trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, Asean, quốc tế tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, giáo viên được đào tạo bồi dưỡng ở trong và ngoài nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh tiếp tục làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong việc học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2019, mục tiêu của tỉnh là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 29,4%. Toàn tỉnh sẽ tuyển mới đào tạo nghề cho 16.000 lao động, trong đó trình độ cao đẳng 1.700 người, trung cấp 2.300 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 12.000 người.
|
Đặc biệt, đơn giá đào tạo nghề cho lao động nông thôn được điều chỉnh tăng phù hợp với các đối tượng; kinh phí đào tạo được giao sớm từ đầu năm, nguồn kinh phí ngân sách Trung ương được giao tăng so với năm 2017 đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp (công ty may) tiếp tục tham gia đào tạo nghề cho người lao động để tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trong năm 2018 cũng còn những tồn tại khó khăn. Công tác tuyển sinh ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn; việc liên kết đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường trung học phổ thông không được tiếp tục thực hiện (từ tháng 7/2018) dẫn đến khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai loại hình liên kết đào tạo; công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2018 vẫn tập trung chủ yếu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (chiếm 76%), đào tạo theo các đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng còn chưa nhiều.
Hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên mới tập trung triển khai dạy nghề theo chỉ tiêu đào tạo có ngân sách, chưa năng động, tích cực trong việc tổ chức các lớp dạy nghề có thu học phí từ người học.
Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tại các huyện còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu dẫn đến các cơ sở khó khăn trong việc tổ chức dạy nghề, đặc biệt là các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn dẫn đến đào tạo các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 còn chiếm tỷ trọng thấp; đào tạo theo đơn đặt hàng, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp còn ít …
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2019, bên cạnh triển khai mạnh các giải pháp tìm thị trường để tìm việc, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo, cần tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực dạy nghề nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề ở trình độ trung cấp, học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề ở trình độ cao đẳng.
Tỉnh tiếp tục có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia dạy nghề. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường cao đẳng, trường trung cấp.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở dạy nghề cần đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường gắn kết hoạt động đào tạo của cơ sở với doanh nghiệp, gắn kết hoạt động đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, gắn với giải quyết việc làm cho người học sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.
Nguyễn Đình