Để hiểu rõ hơn về công tác này trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả và những vấn đề đặt ra trong công tác DS-SKSS trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Lương Kim Đức.
|
Đồng chí Lương Kim Đức: Những năm qua, thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp lệnh của Nhà nước về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), đặc biệt là thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược DS-SKSS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020, công tác DS-CSSKSS đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tỷ lệ giảm sinh, tỷ suất sinh thô, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh được duy trì. Năm 2018, tỷ lệ giảm sinh là 0,2%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10,61%o, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh là 0,2%; tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, SKSS vị thành niên được cải thiện rõ rệt.
Chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người dân. 100% trạm y tế xã thực hiện được các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ thông thường (đặt vòng, khám chữa phụ khoa...). Dịch vụ tránh thai ngày càng được mở rộng, bảo đảm tính sẵn có, tiếp cận và sử dụng thuận tiện, an toàn.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, những vấn đề đặt ra trong công tác DS - SKSS trên địa bàn tỉnh hiện nay là: mức sinh tuy giảm nhưng ở vùng đặc biệt khó khăn mức sinh vẫn ở mức cao (2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ suất sinh thô vẫn ở mức trên 20%); tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại mới đạt trên 60%.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao, năm 2011 ở mức 110 trẻ trai/ 100 trẻ gái, năm 2018 ở mức 112 trẻ trai/ 100 trẻ gái. Các mô hình về chất lượng dân số tuy đã bước đầu được triển khai nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Năm 2018, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 35% so với kế hoạch giao; một số vấn đề SKSS/KHHGĐ chưa được giải quyết tốt; nhiễm khuẩn đường sinh sản vẫn ở mức cao, bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa được kiểm soát, sự kết nối giữa dịch vụ SKSS và phòng chống HIV còn hạn chế; tình trạng phá thai vẫn còn phổ biến.
Dự phòng, sàng lọc phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, vô sinh chưa được triển khai rộng rãi; không đủ nguồn cung cấp các phương tiện tránh thai miễn phí như bao cao su, thuốc uống...
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động ở một số cơ sở chưa được chú trọng thường xuyên, chậm đổi mới về nội dung và hình thức. Việc lồng ghép công tác DS-KHHGĐ vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, vào hoạt động của các ngành, đoàn thể hiệu quả chưa cao, một số nơi vẫn mang tính hình thức.
P.V: Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu: chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thấp hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số để có quy mô và cơ cấu dân số hài hòa vì sự phát triển bền vững của đất nước. Với Yên Bái, trong quá trình thực hiện mục tiêu chung này còn gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Kim Đức: Ở tỉnh ta, mức sinh ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn cao, trong khi phong tục tập quán của đại đa số nhân dân vùng này vẫn muốn có nhiều con, coi trọng con trai hơn con gái. Do vậy, nguy cơ mức sinh tăng trở lại.
Tỷ số giới tính khi sinh ở Yên Bái hiện đang ở mức 112 trẻ em nam/ 100 trẻ em nữ (bình thường là 103-107 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái) và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng nếu như không có những giải pháp hữu hiệu. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường đối với gia đình và xã hội, tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội và cản trở việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai.
Thực trạng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc để phát hiện sớm các di tật bẩm sinh còn ở mức thấp. Tỷ lệ phá thai và vô sinh còn cao; tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV và ung thư đường sinh sản chưa được kiểm soát.
SKSS, sức khỏe tình dục ở nhóm vị thành niên, thanh niên chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai, nạo phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nhóm tuổi này còn khá phổ biến và có xu hướng tăng. Dịch vụ SKSS cho các nhóm đối tượng đặc thù: vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cao tuổi chưa sẵn có, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Cung ứng phương tiện tránh thai gặp khó khăn, nguồn cung ứng miễn phí các phương tiện tránh thai giảm mạnh từ năm 2015, trong khi đó đa số người dân chưa sẵn sàng tiếp cận trả phí khi thực hiện các biện pháp tránh thai.
P.V: Tỉnh Yên Bái đã có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Kim Đức: Để nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã có các giải pháp như: tiếp tục duy trì mức sinh thay thế ở vùng thấp, tăng cường giảm sinh ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn bằng việc HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 25/2015/HĐND phê duyệt Đề án về công tác DS - KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, và Nghị quyết số 40/2017 về sửa đổi bổ sung điều 1 của Nghị quyết số 25/2015/HĐND phê duyệt Đề án về Công tác DS-KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, nâng từ 72 xã lên 81 xã khu vực III của tỉnh (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020).
Thực hiện Kế hoạch chiến lược quốc gia về dinh dưỡng từ năm 2010 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh, Sở Y tế đã ký cam kết với các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo của tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện.
Đối với người cao tuổi, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch số 1369/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc người cao tuổi tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2025. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 và 21 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Chi cục DS-KHHGĐ đang triển khai và duy trì mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và thực hiện Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2020. Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 20 xã của 4 huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi để tạo sự cam kết ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các tổ chức xã hội về chương trình nâng cao chất lượng dân số.
P.V: Vâng! Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Đồng (thực hiện)