Ông lang Phạm Văn Ngôn đã bước sang tuổi 86 nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn khi bắt mạch khám bệnh, bốc thuốc. Từ khi 13 tuổi, ông đã theo cha lên rừng hái thuốc rồi cứ vậy mà học, mà hiểu tường tật từng lá cây, ngọn cỏ, tác dụng chữa trị cũng chúng đối với từng loại bệnh.
Ông Ngôn kể: "Nhà tôi đã hơn 3 đời làm nghề thuốc nam rồi, riêng tôi cũng đã dành gần như cả đời gắn bó với nghề thuốc. Là một ông lang với các bài thuốc gia truyền chuyên trị xơ gan, viên gan, sỏi thận, người bệnh đến đây, chữa được tôi cam kết, còn nếu không tôi không bao giờ nhận bừa. Người ta uống thấy hiệu quả lại tiếp tục giới thiệu bạn bè, người thân đến lấy thuốc. Tôi thấy rất vui khi vừa chữa bệnh cứu người, vừa giữ gìn được nghề quý lại vừa có thêm ít thu nhập cho gia đình".
Hiện nay, Chi hội Đông y xã Cảm Ân có 25 hội viên là các ông lang, bà mế. Với nguồn dược liệu là các loại cây mọc tự nhiên trên rừng xanh, họ thu hái, sơ chế, phơi khô tự nhiên chứ không ngâm, tẩm bất kỳ hóa chất hay chất bảo quản nào. Sau công đoạn đó, mỗi người lại có bài thuốc gia truyền riêng để kết hợp các vị thuốc tạo thành thang thuốc hữu hiệu.
Nghề thuốc ở Cảm Ân bây giờ muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc truyền lại các bài thuốc, cách sử dụng các dược liệu, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc. Bởi, hiện nay việc thiếu nguồn dược liệu khiến những người tâm huyết với nghề không khỏi suy nghĩ.
Để cải thiện tình trạng này, các ông lang, bà mế trong vùng đã đưa những cây thuốc quý hiếm về trồng trong vườn nhà để tìm cách nhân giống. Anh Hà Văn Hiến cho biết: "Cứ mỗi tháng 1-2 lần, tôi và vợ lại cùng nhau đi rừng hái thuốc. Phải đi vào tận rừng sâu ở các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải mới có cây thuốc. Khi tìm được những cây thuốc quý, tôi thường mang về nhà trồng thử. Hiện, vườn nhà cũng có khoảng vài chục loại thuốc quý, có những cây đã hàng chục năm rồi".
Còn ông lang Hà Huy Thêm lại tuyệt đối không bao giờ mua rễ của cây thuốc dù rễ của nhiều loài chính là vị thuốc quý.
Ông Trương Kim Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: "Việc bảo tồn cây thuốc nam chính là một trong những nội dung quy định của hội viên Chi hội từ những ngày thành lập bên cạnh các quy định như: không mắc tệ nạn xã hội, tiền thuốc cho bệnh nhân không được quá 30.000 đồng/ngày thuốc... Bởi vậy, từ năm 2008, Hội Đông y tỉnh, Sở Y tế đã công nhận và cắm biển "Làng thuốc nam bản địa” và các bài thuốc gia truyền tại xã cho các ông lang, bà mế là hội viên của Chi hội".
Tiếng lành đồn xa, các bài thuốc nam gia truyền chữa trị các bệnh dạ dày, đại tràng, viêm gan, xơ gan, sỏi thận, vôi cột sống, co thắt động mạch vành, xương khớp... ngày càng được nhiều người biết đến.
Người dân ở nhiều nơi, kể cả ở các thành phố lớn cũng tìm về đây để chữa trị. Năm 2018, các ông lang, bà mế trong xã đã khám bệnh, bốc thuốc cho trên 700 lượt người, bốc thuốc miễn phí cho trẻ nhỏ và người già khó khăn 38 lượt.
Với sự kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc, kinh nghiệm gia truyền của gia đình, những ông lang, bà mế ở Cảm Ân đã và đang góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như giữ gìn, bảo tồn, phát triển nhiều cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc đang dần bị thất truyền.
H.A