Kỷ niệm “tết thầy” xuân ấy

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/1/2019 | 4:23:06 PM

YênBái - "Mùng một tết cha, mùng ba tết thầy” - câu ca ấy, lễ nghĩa ấy cha ông đã răn dạy tự ngàn xưa. Và ngày đầu xuân năm mới trong hạnh phúc sum họp của muôn nhà, vẫn luôn nhắc nhớ về một ngày mùng ba dành cho thầy, cô giáo - người cho ta con chữ, kiến thức, dạy dỗ ta nên người, bởi "không thầy đố mày làm nên”!

Ngày nay, đạo lý ấy còn rộng hơn bởi sự tri ân, tôn vinh  những bậc thầy trong chuyên môn, trong truyền dạy nghề thuộc mọi lĩnh vực. Với tôi, một kỷ niệm ấu thơ về ngày "mùng ba tết thầy” vẫn còn in đậm.

Nơi tôi lớn lên là một làng giáo nghèo. Những năm 80, cuộc sống khó khăn khôn kể. Tết đấy nhưng gì cũng tằn tiện, thiếu thốn và đạm bạc. Dù vậy, mẹ tôi bao giờ cũng dành ra vài đôi bánh chưng để chị em tôi đi chúc tết thầy cô. 

Đó là những chiếc bánh chưng dài đặc trưng của dân tộc Tày chúng tôi. Năm ấy tôi học lớp 3, em gái học lớp 1, mẹ tôi buộc cho hai chị em đôi bánh đã chuẩn bị sẵn để đi chúc tết cô Hòa - cô giáo cũ của tôi và là cô giáo hiện tại của em. 

Chị em tôi mặc quần áo mới, đeo dép nhựa mới, tung tẩy dắt nhau đi. Nhà cô Hòa ngay xóm ngoài, cách nhà tôi chỉ mấy quanh đường. 

Vợ chồng cô Hòa cũng là đồng nghiệp với bố mẹ tôi nên hai gia đình là chỗ thân tình và con cô Hòa cũng là bạn học với chị em tôi. Ngày ấy, tất cả các con đường trong thôn, xóm đều là đường đất chứ chưa bê tông hóa như bây giờ. 

Cơn mưa dầm trước đó khiến đường trơn và lầy lội nên chị em tôi dò dẫm từng bước một, phần sợ ngã, phần sợ bùn bắn bẩn quần áo và cả đôi dép mới. Phía trước nhà cô Hòa là một con suối nhỏ bắc chiếc cầu tre chắc chắn và bến nước kê mấy hòn đá tảng thường để rửa chân, giặt giũ. 

Chị em tôi bì bõm lội xuống dòng nước lạnh giá, cẩn thận rửa sạch bùn ở chân và dép sau chặng đường bẩn. Qua con suối còn phải đi một đoạn bờ ao mới vào ngõ nhà cô giáo, chẳng hiểu vì mải nghĩ đến lời chúc năm mới khi vào thăm cô hay vì không cẩn thận mà đến đoạn bờ ao thì tôi bị "vồ ếch”. 

Cái trượt oạch khiến chiếc quần mới lấm lem. Vừa lo lắng, vừa xấu hổ đôi mắt tôi đỏ hoe ứa nước. 

Chưa biết phải xử trí sao thì cô Hòa nhìn thấy chị em tôi, vợ chồng cô chạy vội ra dắt chúng tôi vào nhà. Cô lấy quần của con cô cho tôi mặc tạm và mang chiếc quần lấm của tôi đi gột sạch rồi hơ bên bếp lửa. Năm ấy trời lạnh lắm! Cả nhà cô giáo và chị em chúng tôi cùng ngồi quây quần sưởi lửa chống rét. 

Thoáng chốc chiếc quần của tôi cũng khô và sạch sẽ như chưa có chuyện gì xảy ra. Thay lại chiếc quần sạch, chị em tôi và các con cô lại nô đùa vui vẻ. Câu chuyện tôi đi tết cô bị "vồ ếch”, phải hơ quần vừa buồn cười, vừa tủi thân, nhắc nhớ những khó khăn thời xa xôi ấy mà cũng thật ấm áp, yêu thương của tình cảm cô trò. 

Hơn 30 năm đã qua đi, mái tóc cô Hòa giờ rặt những sợi bạc nhưng kỷ niệm năm nào và ánh nhìn trìu mến, yêu thương, luôn chăm lo cho học trò của cô Hòa thì vẫn vẹn nguyên như thuở nào. 

Ngọc Tú

Các tin khác

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện ở phía Bắc nước ta có một khối không khí lạnh đã hình thành và đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng đêm về sáng ngày 1/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống miền Bắc.

Chăm lo tết cho người nghèo khó, đối tượng xã hội, gia đình chính sách và cả những người dân vừa ra khỏi thiên tai của năm 2018 là công việc mà cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Văn Yên đã và đang tập trung thực hiện. Những ngày giáp Tết, những chuyến xe của các tổ chức, cá nhân vẫn đang tiếp tục mang theo những phần quà xuân ấm áp nghĩa tình đến với hộ nghèo và bà con vùng lũ ở Văn Yên để cùng nhau đón một mùa xuân ấm áp hơn.

Một phiên tòa xét xử lưu động của TAND huyện Yên Bình.

Là địa phương có địa bàn phức tạp, số lượng án tương đối lớn, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp… song, với tinh thần đoàn kết, nhất trí và quyết tâm cao của cả tập thể, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Yên Bình đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký năm 2018.

Cán bộ y tế cơ sở chia sẻ kỹ năng trong truyền thông DS-KHHGĐ cho y tế thôn bản.

Những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được chú trọng đúng mức, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm, tư tưởng "trọng nam khinh nữ” cũng không còn nặng nề, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) được quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục