Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, những ngày này luôn rộn vang tiếng cười. Mặc dù đã chuẩn bị bước sang 100 tuổi, nhưng mẹ vẫn nhớ nhiều chuyện về ngày xưa ấy.
Tết đến, xuân về là dịp sum vầy của những người thân trong gia đình, nhưng với nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, lại là thời gian để nhiều người tưởng nhớ về người chồng, người con của mình đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đó là câu chuyện của gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Lan, sinh năm 1919, nguyên quán tại xã Yên Viễn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Mẹ có 2 thân nhân là liệt sỹ, đó là người chồng của mẹ - liệt sỹ Phạm Văn Nhiều, sinh năm 1918, nguyên quán tại xã Yên Chính, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và người con trai của mẹ với người chồng thứ 2 là liệt sỹ Trịnh Văn Hệ, sinh năm 1956, trú tại xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Ở tuổi 99, nhưng những hồi ức về những năm tháng chiến tranh vẫn hằn sâu trong tâm trí của mẹ. Mẹ kể: "Tôi và ông Nhiều cưới nhau năm tôi 20 tuổi rồi theo về nhà chồng làm việc đồng áng. Từ lúc còn nhỏ, ông ấy đã đi theo cách mạng làm du kích xã. Sống với nhau, chúng tôi có một người con trai là Phạm Khắc Hiếu.
Do tham gia hoạt động cách mạng, nên ông ấy thường xuyên vắng nhà. Đến giờ tôi vẫn nhớ hôm đó là ngày 10 tháng 6 năm 1950, ông bị giặc Pháp bắt khi đang rải truyền đơn. Chúng bắt được và đánh đập, tra tấn dã man nhưng ông ấy vẫn một lòng kiên trung không hé một lời nên chúng đã tra tấn ông đến chết.
Thời điểm đó, cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn. Hàng ngày, hai mẹ con phải đi mót củ khoai, kiếm bát cháo ăn để sống qua ngày.
Thấy cuộc sống cơ cực, ông Trịnh Văn Đàm - người ở xã An Nội cùng huyện đem lòng thương yêu hai mẹ con tôi, nhưng hơn 2 năm sau tôi mới đồng ý về sống với ông Đàm. Chúng tôi có với nhau 7 người con gồm 2 trai 5 gái".
Trong kháng chiến chống Mỹ, cả nước vì tiền tuyến đấu tranh chống giặc và người con trai thứ 2 của gia đình là anh Trịnh Văn Hệ chưa đủ 18 tuổi nhưng đã viết đơn tình nguyện xin tham gia quân đội và được nhập ngũ tháng 8/1973 rồi vào chiến đấu ở mặt trận phía Nam.
Trong một trận chiến đấu, anh Hệ đã anh dũng hy sinh ngày 30 tháng 7 năm 1974. Mặc dù mất chồng và con trai nhưng mẹ Lan cũng như gia đình rất tự hào vì đã có những người thân yêu hy sinh cho Tổ quốc.
Anh Trịnh Quang Hoành - người con cả của mẹ thường xuyên chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày cho mẹ tâm sự: "Tôi lớn lên và tham gia công tác ở nhiều cơ quan của Nhà nước, tiết kiệm được ít tiền, năm 1998 mua mảnh đất ở thôn Đào Kiều này sinh sống và đến năm 1999 vay mượn thêm anh em để xây xong nhà và về quê đón mẹ lên sống cùng. Nhà nước mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, tháng 3 năm 2018, mẹ tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mọi chế độ của mẹ được hưởng tổng mức hỗ trợ trên 5 triệu đồng.
Để chăm sóc cho mẹ, ngoài việc thường xuyên đổi món ăn hàng ngày, thời gian gần đây sức khỏe của mẹ giảm sút, tôi phải thường xuyên sắc thuốc nam cho mẹ uống hàng ngày. Vào các dịp như Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, tết Nguyên đán, chính quyền địa phương cũng như Ban Chỉ huy Quân sự huyện - đơn vị nhận đỡ đầu mẹ đều đến tặng quà, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với mẹ lúc tuổi già”.
Trong những năm qua, huyện Yên Bình đã thường xuyên quan tâm chăm lo đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã nhận phụng dưỡng suốt đời 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Trịnh Thị Lan và mẹ Dương Thị Cúc ở thôn Ngòi Bay, xã Bảo Ái.
Thượng tá Hoàng Minh Dũng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết: "Chúng tôi là những người trưởng thành trong quân ngũ, nên rất thấu hiểu nỗi đau và những mất mát của các gia đình có công với cách mạng. Vì thế, đơn vị đã nhận đỡ đầu suốt đời các mẹ. Tuy mức hỗ trợ chỉ 500 ngàn đồng/tháng, nhưng đây là tấm lòng của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị để động viên gia đình và các mẹ lúc tuổi già”.
Đồng chí Phạm Ngọc Vương - Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Hưng tâm sự: "Cũng như các địa phương khác trong cả nước, trải qua các cuộc chiến tranh, Thịnh Hưng cũng có nhiều người con đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, nhiều người may mắn trở về cũng mang trên mình những vết thương của chiến tranh. Đối với địa phương, chúng tôi luôn thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, giúp gia đình người có công bằng công lao động, cây con giống, sửa chữa nhà cửa… Trong dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngoài phần quà của Chủ tịch nước, tỉnh, huyện thì xã cũng dành nhiều phần quà và tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà nhằm thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc với các gia đình có công với cách mạng”.
Với cuộc sống giản dị, chất phác, thân thiện cùng xóm giềng, mẹ Lan thường động viên, nhắc nhở các thế hệ con cháu tiếp tục giữ vững truyền thống cách mạng, học tập thật tốt để mai sau trở thành những người công dân tốt của xã hội. Một mùa xuân mới đã về những việc làm giàu truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của các cấp, các ngành và thế hệ con cháu hôm nay đã và đang sưởi ấm tấm lòng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thạch Phong