Ngôi nhà của ông Bùi Hòa Bình - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái gọn gàng trong dãy phố ở Km8, thành phố Yên Bái. Ông Bình và ông Đặng Huy Chuân - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Yên Bình vừa bàn xong những việc mà Hội sẽ làm trước và sau tết Nguyên đán.
Gần bảy mươi, nhưng dường như tác phong của người lính công binh Trung đoàn 4 anh hùng năm xưa vẫn nhanh nhẹn, khoa học và chính xác đến lạ. Phải chăng, Trường Sơn đã rèn nên tác phong của ông Bình, ông Chuân và những lính công binh, lái xe, pháo binh, thanh niên xung phong trong "binh chủng hợp thành” Bộ đội Trường Sơn cách đây 60 năm?
Rõ ràng, mạch lạc, giọng của ông Bình bên tai mà hình ảnh các ông cứ hiện lên như trong "cuốn phim” lịch sử. Ông lý giải về cụm từ "đường mòn Hồ Chí Minh”, rồi ông khẳng định, có 3 thời kỳ của Trường Sơn.
Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ "Soi đường mở lối” chắp nối với các chiến trường ở trong với lực lượng đặc biệt, "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. "Chính vì vậy, chúng tôi đã mở được các con đường gùi, thồ đưa hàng vào trong miền Nam. Chuyến hàng đầu tiên đưa vào Quân khu V chỉ có hơn năm chục khẩu súng và mấy nghìn viên đạn thôi, nhưng hết sức cảm động. Nó đã nối được ý Đảng - lòng dân, tình nghĩa của nhân dân miền Bắc hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn” - ông Bình nhớ lại.
Giai đoạn thứ hai, mở đường cho xe ô tô vào trong điều kiện vô cùng khó khăn. Có đường, những chuyến xe chở vũ khí, đạn dược ra chiến trường đã làm cán cân lực lượng của quân giải phóng miền Nam với lực lượng của bọn tay sai và đế quốc Mỹ thay đổi.
Giai đoạn thứ ba, là giai đoạn tổng lực của Trường Sơn. "Chúng tôi có 2 sư đoàn xe ô tô, 5 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn bộ binh, tổng cộng là 9 sư đoàn trên dải Trường Sơn ấy để chiến đấu. Và lúc đó, chúng ta có cả tên lửa, các loại pháo lớn, rồi xe tăng và tất cả phương tiện hiện đại nhất của các chiến trường, của các nước bè bạn chúng ta đều đưa vào Trường Sơn” - ông Bình kể với giọng đầy hào sảng.
Tìm lại tư liệu lịch sử, được biết, từ năm 1959 đến năm 1975, với nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, Bộ đội Trường Sơn đã đánh thắng chiến tranh ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của đế quốc Mỹ; xây dựng hệ thống đường xe cơ giới với 5 trục dọc và 21 trục ngang, với hơn 17.000 km và hàng nghìn ki - lô - mét đường giao liên, đường dây thông tin, đường ống dẫn xăng, dầu...
Lực lượng đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn Nam Lào; tổ chức hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào ra an toàn; vận chuyển trên một triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường.
Nhưng số liệu to lớn ấy có được bởi sự hy sinh cao cả của những người không tiếc tuổi thanh xuân như ông Chuân, ông Bình. Mỗi năm có khoảng 34 vạn người phục vụ tuyến đường. Lính công binh như ông Bình, thường phải mở đường vào mùa mưa để mùa khô bắt đầu hoạt động xe.
Địch đánh đường này, bộ đội mở 5 - 7 đường khác để tránh máy bay. Những đội phá bom thì trầm mình ở ngay đường tuyến để phá bom thay vì chờ vào hầm trú ẩn. Máy bay vẫn đánh, nhưng bộ đội vẫn phải phá bom cho kịp để san lấp mặt đường. Nhiều chiến sỹ làm sẵn giấy báo tử trước đến hai ba lần là chuyện bình thường; bị thương hay sức ép mỗi ngày vài lần cũng là bình thường.
Rồi những cái tết trong hầm với hoa chuối, rau rừng của Bộ đội Trường Sơn cũng chẳng trọn vẹn khi lời chúc năm mới chưa kịp trao thì máy bay bắn phá, tất cả lại ra đường.
Chiến tranh ác liệt, là Bộ đội Trường Sơn. Ai có thể quên được cụm trọng điểm A - T - P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích)? Chỉ hơn mười cây số, nhưng cụm trọng điểm này có thời gian đưa vào ba, bốn trung đoàn để giữ trọng điểm ấy.
"Đội phá bom của tôi ở đèo Bù Lạch chỉ trong một tuần thôi mà 5 lần thay, bổ sung lực lượng. Từ hơn bốn chục đồng chí chỉ còn có 12 đồng chí” - ông Bình nghẹn lại khi kể đến đây.
"Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó thì chưa biết mình" - với hàng ngàn trọng điểm ấy, 23.000 chàng trai cô gái đôi mươi đã hy sinh, hơn 30.000 người đã bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ngày 19/5/2012, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái thành lập. Là 1 trong 16 tỉnh của cả nước có tổ chức Hội sớm đi vào hoạt động, 7 năm qua, Hội được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh và các mạnh thường quân. Từ 348 hội viên ban đầu, đến nay, Hội đã có 1.286 hội viên.
Những chàng trai, cô gái từng công binh, lái xe, pháo binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa giờ lại chung sức thực hiện 2 nhiệm vụ chính là: giữ gìn truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng và xây dựng kinh tế để làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội.
Bởi lẽ đó, ngoài sự tạo điều kiện của tỉnh, Hội đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ để cùng nhau xây dựng 78 nhà cho hội viên khó khăn, trị giá trên 3,6 tỷ. Mỗi năm hơn 1.000 lượt hộ được thăm hỏi trao khoảng 2.000 suất quà cho thương binh, thân nhân liệt sỹ, hội viên nhiễm chất độc da cam, nghèo khó.
Hội tổ chức quyên góp, giúp đỡ các hội viên nghèo khó hàng chục ngàn ngày công, giúp con giống và cho vay hơn 800 triệu đồng không lấy lãi. Các hộ hội viên đã vượt lên khó khăn, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoạt động của Hội đã được ghi nhận bằng những bằng khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và, Yên Bái là 1 trong 4 tỉnh được Trung ương Hội đề nghị Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2019.
Năm 2019, tròn 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Sẽ có nhiều hoạt động diễn ra ngay từ những ngày đầu xuân mới Kỷ Hợi này, nhưng tin chắc rằng, những người đang hưởng trọn vẹn những năm tháng hòa bình, tươi đẹp hôm nay đều chung cảm xúc trào dâng khi nghe lại những chiến tích mà Bộ đội Trường Sơn kể lại.
Tất cả sẽ còn mãi - một hào khí Trường Sơn, hào khí của một dân tộc anh hùng.
Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" - Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đoàn 559 phát triển nhanh chóng về lực lượng, Tháng 10-1961, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định nâng Đoàn 559 lên tương đương cấp sư đoàn. Các năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh 559 - Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng, cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 1 vạn thanh niên xung phong.
|
Quang Tuấn - Hoài Văn