Sinh ra và lớn lên trên miền quê Văn Chấn người dân sống chủ yếu vẫn bằng nghề nông nghiệp, nhìn cảnh các bà, các mẹ, các bạn cùng trường nội trú làm vườn phải cuốc từng luống rau, gieo hạt, xới đất vất vả, rồi tưới nước bằng xô đôi khi không đều và lãng phí, hai em Hoàng Bảo Phúc và Hoàng Thị Thủy Tiên học sinh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Văn Chấn đã chế tạo "dụng cụ làm vườn 5 trong 1” góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm sức lực cho công việc làm vườn. Cách đây không lâu, sáng chế này đã đem về vinh dự, tự hào cho hai em khi giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2018 - 2019.
Đến Trường PTDTNT THCS huyện Văn Chấn vừa vặn gặp Hoàng Bảo Phúc và Hoàng Thị Thủy Tiên đang cùng các bạn sử dụng "dụng cụ làm vườn 5 trong 1” để tưới rau trong vườn trường rộng 1.500m2. Mỗi xe chứa đầy nước chỉ cần một người điều khiển là có thể nhanh chóng tưới đều cả vườn rau. Tận mắt chứng kiến hiệu quả từ "dụng cụ làm vườn 5 trong 1” của hai em, chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Tủm tỉm, ngại ngùng Hoàng Bảo Phúc chia sẻ: "Từ thực tế cuộc sống thấy gia đình, bản thân chúng em vẫn làm rau tại vườn trường theo phương pháp truyền thống tốn nhiều thời gian. Em và bạn Tiên đã nảy ra ý tưởng làm một dụng cụ tích hợp nhiều tính năng cải thiện năng suất lao động. Sau khi có ý tưởng, chúng em đã tâm sự với thầy giáo Đào Ngọc Hùng dạy môn Toán - Tin của nhà trường”.
Và rồi dưới sự tư vấn, hướng dẫn của thầy giáo, Phúc và Tiên tiến hành tìm hiểu quy trình làm vườn rau ngắn ngày với các công đoạn cụ thể như đo đất, chia luống, làm đất, bón phân, gieo hạt, tưới nước… Hiểu rõ quy trình làm rau truyền thống, các em tìm hiểu thêm về các nguyên lý bừa đất, rắc phân, gieo hạt bằng trục quay, sau đó xây dựng sơ đồ cấu tạo, nguyên lý hoạt động, tìm kiếm vật liệu để chế tạo dụng cụ.
Nói về khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Hoàng Thị Thủy Tiên chia sẻ thêm: "Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, khó khăn nhất của chúng em là tìm được khung chính của dụng cụ sao cho gọn, tháo lắp, di chuyển, vận hành tiện lợi. Đang loay hoay chưa biết tận dụng hay chế tạo ra sao thì chúng em chợt phát hiện ra xe rùa mà hàng ngày vẫn được dùng để lao động có thể tận dụng cải tiến làm khung chính của dụng cụ bởi dễ điều khiển, bộ khung nhỏ, gọn hợp lý khi di chuyển bên cạnh luống rau, có thể dễ dàng lắp thêm các bộ phận cải tiến”.
Theo Phúc và Tiên, khi tưới nước bằng "dụng cụ làm vườn 5 trong 1” chỉ cần dùng xô nước đặt lên giá đỡ của xe rùa đã được cải tiến, nước sẽ chảy theo ống nằm ngang bằng độ rộng của luống rau, các ống nhựa có đục lỗ, to nhỏ tùy theo sự phát triển của cây mà thay đổi cho phù hợp.
Còn khi tháo hệ thống tưới nước ra, có thể lắp hệ thống đo đất, chia luống, cày tơi đất hay rắc phân, gieo hạt, đảo phân, trộn đất, lấp hạt, hệ thống vận chuyển vật liệu. Điều đặc biệt là mỗi hệ thống chức năng đều rời và có thiết kế đơn giản, dễ tháo lắp, thuận tiện sử dụng và an toàn.
Được biết, khi sử dụng dụng cụ này năng xuất lao động tăng gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, giá thành làm ra một bộ dụng cụ hoàn chỉnh với chi phí chỉ khoảng 450.000 đồng.
Đánh giá về mô hình "dụng cụ làm vườn 5 trong 1” của hai em, cô giáo Sầm Thị Minh Khuyên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dụng cụ làm vườn 5 trong 1” của hai em Phúc và Tiên rất sáng tạo. Với giá thành rẻ, đem lại hiệu quả cao, giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, nhà trường đã cho triển khai ứng dụng cho công việc trồng, chăm sóc rau xanh của các em học sinh tại Trường. Đây cũng là phần thưởng cho hai em cũng như góp phần khích lệ sự học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của các em học sinh khác. Hy vọng, thời gian tới sáng tạo của hai em không chỉ ứng dụng trong nhà trường mà được phổ biến, sử dụng rộng rãi trong canh tác nông nghiệp”.
Lê Huyền