Còn trước kia, từ 25 tháng Chạp trở đi, công việc chuẩn bị cho ngày tết cứ ngập đầu việc này việc nọ cho đến tận 30 tết, nào là bổ củi, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, chuẩn bị thức ăn cho trâu bò, lên rừng hái lá dong, gói bánh, vót đũa, vót xiên, tạo khuôn ép giò mỡ, giã giò, ướp thịt, chuẩn bị sẵn những món ăn đón khách đến chúc tết...
Bây giờ, nhiều nhà mổ lợn thuê thợ đến làm, chia phần tươm tất. Giò mỡ, giò nạc cũng có dịch vụ nhận chế biến thuê; củi mua ở chợ, mua đầu mẩu ở xưởng gỗ trong thôn; bánh chưng cũng chẳng làm nhiều như trước nữa mà thiên về chất lượng và những nhà neo người thì chụm lại cùng gói, nấu bánh chia nhau...
Việc nhàn nên ngày tết cũng vui hơn. Trước tết, anh em con cháu trong nhà, trong họ có thể mời nhau cùng vui bữa tất niên từ chiều 27 tết trở đi để ngày mồng Một, mồng Hai tết dành thời gian chúc tết ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại.
Chả bù cho thế hệ chúng tôi ngày trước, trong ngày mồng một, mồng hai tết cứ phải túi bụi xào nấu để bố mẹ tiếp hết đoàn khách này đến đoàn kia chúc tết bởi cái lệ tự cổ xưa hễ ai đến chúc tết thì dù ăn ít hay nhiều chủ nhà vẫn phải bưng mâm ra mời. Thành thử, chúng tôi muốn đi chơi chỉ tranh thủ vào chiều muộn hoặc lúc đêm về.
Bây giờ tết cũng đã đổi mới nhiều lắm. Khách đến chúc tết không nhất thiết phải ở lại ăn cỗ, thậm chí không cần phải nâng ly uống chén rượu xuân với gia chủ, bởi lẽ, hầu hết đi chúc tết bằng xe máy đèo theo vợ con, anh em, bạn bè và cả lý do giữ gìn sức khỏe. Hơn thế, thời gian nghỉ tết cũng không nhiều, nên cần phải đi chóng vánh thì mới chúc tết được khắp mọi nhà.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc sống bây giờ ngày càng sung túc nên lúc nào cũng "vui như tết”, tết Nguyên đán có vẻ như nhạt dần... Nhiều người đã nghĩ đến vấn đề phải đổi mới cách vui chơi trong ngày tết như dành thời gian để đi du lịch.
Nhưng điều đó, có thể chỉ phù hợp với chốn đô thị - nơi mà cấu kết gia đình, dòng họ khác hẳn với nông thôn, chứ tết ở quê vẫn vui, vẫn đầm ấm lắm. Đầm ấm ở cái ý nghĩa văn hóa truyền thống tết từ lâu đời của người Việt; ở sự sung túc hơn của đời sống vật chất, nhưng thêm một yếu tố rất quan trọng, đó là tết sự sum vầy.
Bởi vì, tết quê bây giờ không chỉ đóng kín trong không gian thanh bình của mối quan hệ thường ngày giữa những người dân quê trước đây, mà tết là nơi chốn để hướng về cội nguồn của bao người định cư ở phương xa hay người cả năm, vài năm đi công tác, làm ăn xa quê mới có dịp trở về hội ngộ.
Thế nên, phải đi chúc tết để tay bắt mặt mừng; để được ngồi bên nhau hàn huyên những câu chuyện làm ăn sinh sống; bày tỏ cùng nhau những dự định trong tương lai và kết nối, giúp đỡ, tương tác lẫn nhau trong xây dựng tình cảm cùng đời sống vật chất.
Quý hơn nữa là mỗi người lại được biết thêm những thành viên mới sinh, dâu, rể mới trong nhà, trong họ; hiểu thêm cuộc sống của bà con họ hàng, làng xóm ở thôn quê để thắp lên tình cảm và trách nhiệm với quê hương.
Người ở quê cũng được dịp chia vui với cháu con đi đó đi đây thành đạt mà vẫn giữ được đất lề, quê thói. Những đứa con, đứa cháu được sinh ra ở phương xa, nơi chốn thị thành hay định cư ở nước ngoài có được cơ hội hiếm hoi trải nghiệm cái ấm áp của hương vị tết quê; để hiểu hơn về phong tục, tập quán; biết được đâu là anh em, vai vế trong gia đình, dòng tộc để mãi mãi nuôi dưỡng tình yêu, lòng tự hào về quê hương nguồn cội...
Với ý nghĩa như thế, tin rằng, dù nhịp sống công nghiệp có bộn bề, sôi động, sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa... thì tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt mãi mãi vẫn là điểm nhấn quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân mãi mãi về sau.
Sơn Nam