Thị xã đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác vệ sinh ATTP theo chuỗi đối với từng ngành hàng quản lý. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người dân về tầm quan trọng và tác dụng của công tác vệ sinh ATTP với mọi người, mọi gia đình và cộng đồng xã hội.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển của giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cho mọi người thấy quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với vấn đề ATTP, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng...
Mặc dù vậy, năm 2018 trên địa bàn thị xã vẫn có 36 ca ngộ độc thực phẩm xảy ra tại địa bàn phường Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng, xã Nghĩa An và xã Nghĩa Lợi. Trong đó 13 ca ngộ độc rau; 16 ca ngộ độc quả; 5 ca ngộ độc rượu; 2 ca chưa rõ nguyên nhân. Không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Thực tế, vấn đề bảo đảm ATTP trên địa bàn thị xã vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Đó là, hiện nay cơ quan thú y không được kiểm tra đóng dấu các loại thịt ở chợ mà chỉ được kiểm tra tại các cơ sở giết mổ.
Trong khi đang có chủ trương cắt giảm chức danh trưởng ban thú y tại xã, phường. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở. Vấn đề tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản vẫn chưa được kiểm soát thường xuyên.
Điều kiện vệ sinh ATTP của một số cơ sở chế biến thực phẩm chưa đạt theo quy định. Đa số các hộ sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thị xã có quy mô vừa và nhỏ, một số sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, việc thực hiện bảo đảm điều kiện ATTP khó khăn.
Một bộ phận các cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn cố tình đưa hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP vào kinh doanh, buôn bán. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định chủ yếu là do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trên địa bàn thị xã có trên 90% hộ sản xuất nông nghiệp là người dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện các chương trình gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc vận động các hộ ký cam kết sản xuất nông nghiệp theo hướng ATTP.
Thị xã là nơi trung chuyển hàng hóa cho huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải có nhiều hàng hóa từ dưới xuôi lên nên việc xác định nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác xét nghiệm về ATTP còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của thị xã tiếp tục sẽ tăng cường công tác kiểm tra đột xuất về ATTP đối với các ngành, hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm về ATTP.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến tới người tiêu dùng các kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn; phổ biến tới các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy định của Nhà nước về ATTP. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành tốt công tác ATTP, kịp thời tổng hợp những ý kiến phản ánh của người dân đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, không đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
Thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP... góp phần đảm bảo an toàn cho mọi người, mọi gia đình và cộng đồng xã hội.
Thành Trung