Những năm qua, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cơ bản ổn định, không có trọng án xảy ra, không có điểm, tụ điểm phức tạp; tuy nhiên. liên quan đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) còn tồn tại các tệ nạn xã hội, ma túy, trộm cắp, bạo lực gia đình gây mất trật tự trong khu dân cư, làm cho các gia đình không yên tâm đầu tư lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Trước tình hình đó, Thị ủy, UBND và Công an thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND phường Pú Trạng xây dựng cụm dân cư tổ dân phố số 2 thực hiện xây dựng điểm mô hình "Tổ nhân dân tự quản về ANTT” của thị xã để nhân rộng ra các xã, phường khác trên địa bàn, qua đó đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ)”, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Căn cứ Hướng dẫn số 1656 của Công an tỉnh Yên Bái, Chỉ thị số 85 của Thị ủy Nghĩa Lộ về công tác xây dựng mô hình "Tổ nhân dân tự quản về ANTT” ở khu dân cư, qua khảo sát, cho thấy, tổ dân phố 2 mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tổ dân phố số 2 và số 3, có diện tích 10,18 ha với 167 hộ, 607 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống, có đường giao thông thuận lợi, là tổ dân phố nội thị, phi nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều phức tạp nên Công an phường Pú Trạng đã tham mưu với UBND phường xây dựng mô hình "Tổ nhân dân tự quản về ANTT số 1”.
Mô hình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự quản lý điều hành của UBND phường, sự hướng dẫn về chuyên môn của lực lượng công an và trực tiếp là cấp ủy chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể nhân dân vào cuộc quyết liệt, đã vận động, tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể nhân dân thực hiện các văn bản quy định bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng, nâng cao nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng mô hình nhân dân tự quản về ANTT trong Phong trào "Toàn dân BVANTQ”.
Tháng 4 năm 2018, mô hình đã ra mắt và đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, mỗi người dân trong tổ đều thấy được vai trò, trách nhiệm của mình, có mô hình là của dân, do dân và vì dân, theo hướng xã hội hóa về hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT từ cơ sở, từ gia đình và khu dân cư.
Quá trình tổ chức thực hiện mô hình dựa trên quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1 lần đối với ban chủ thể điều hành, 3 tháng 1 lần đối với khu dân cư thực hiện mô hình để kiểm điểm công việc làm trong tháng và đề ra nhiệm vụ giải pháp tiếp theo nhằm đẩy mạnh hoạt động mô hình có hiệu quả...
Vì vậy, địa bàn đã có chuyển biến tích cực, tội phạm và tệ nạn xã hội giảm hẳn, hạn chế các vi phạm pháp luật ở khu dân cư. Lực lượng công an trở thành lực lượng tham mưu, nòng cốt trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, vận động nhân dân trong tổ dân phố, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa và tích cực đấu tranh phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi, vi phạm pháp luật. Nhân dân tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, quy ước của tổ dân phố.
Các loại đối tượng trên địa bàn tổ dân phố được Công an phường phối hợp với cấp ủy, chi bộ, tổ dân phố và chủ thể quản lý điều hành mô hình tổ nhân dân tự quản về ANTT quản lý chặt chẽ thường xuyên, tổ chức răn đe, kiểm điểm, giáo dục, cảm hóa, phân công các thành viên chủ thể mô hình, nắm chắc các hộ dân, nhất là các đối tượng đang quản lý, kịp thời giải quyết; Ban chủ thể điều hành tổ chức thành 3 nhóm tuần tra ban đêm, mỗi nhóm từ 3 - 5 người gồm Công an phường làm nòng cốt, tổ trưởng hoặc tổ phó mô hình, các thành viên và bảo vệ dân phố.
Qua thời gian hoạt động cho thấy, mô hình đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, gắn quyền lợi và nghĩa vụ người dân tham gia BVANTQ; quần chúng hăng hái tích cực cung cấp thông tin tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, củng cố xây dựng Phong trào "Toàn dân BVANTQ” ở cơ sở.
Với cách làm trên, sau 8 tháng đi vào hoạt động, mô hình "Tổ nhân dân tự quản về ANTT” đã phát huy hiệu quả, chủ thể mô hình ngày càng được củng cố, chủ thể tham gia đã xã hội hóa tự nguyện đóng góp kinh phí cho hoạt động phong trào, thăm hỏi lẫn nhau khi có việc vui, chuyện buồn, tuyên dương khen thưởng công dân có thành tích trong thực hiện mô hình tự quản về ANTT. Cũng qua thực hiện có hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa ra 7 xã, phường trong thị xã Nghĩa Lộ.
Từ khi mô hình được thực hiện đã có sức lan tỏa rất nhanh chóng được nhiều phường, xã bạn, lân cận đến học tập và thực hiện. Tình hình các tệ nạn đã giảm hẳn đặc biệt là tệ nạn trộm cắp, cướp giật, ma túy… quản lý, giáo dục, giúp đỡ 6 đối tượng chấp hành xong án phạt tù giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống tại địa phương; số người nghiện ma túy giảm (đã có 2 người tự cai nghiện làm ăn chân chính, có việc làm thu nhập ổn định) hiện còn 1 người các thành viên tham gia mô hình đang động viên, giáo dục, giúp đỡ để họ từ bỏ ma túy.
Tình hình tệ nạn xã hội, gây mất trật tự khu dân cư, mất đoàn kết, ảnh hưởng ANTT cơ bản được xóa bỏ. Tình trạng trộm cắp vặt không xảy ra, bạo lực gia đình được giải quyết dứt điểm làm cho địa bàn trong sạch, tình làng nghĩa phố đoàn kết, keo sơn bền chặt.
Cũng từ mô hình trên đã nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chú trọng hơn trong việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm chỉnh trang nhà cửa, góp phần thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn phường.
Lê Phiên