Giải pháp "Thiết kế, chế tạo mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén giúp nâng cao chất lượng đào tạo” của tác giả Bùi Thái Sơn - Trường Cao đẳng nghề Yên Bái giành giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2017 - 2018) là minh chứng điển hình cho tính sáng tạo và ứng dụng đó. Xuất phát từ thực tế giảng dạy chuyên ngành điện công nghiệp, tác giả Bùi Thái Sơn đã nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp thành công mô hình điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén.
Mô hình là một hệ thống cơ điện tử thu nhỏ, mô tả được tất cả các công đoạn của một quá trình sản xuất thực tế, từ khâu cấp phôi, phân loại đến quá trình sắp xếp thành kiện hàng. Tính độc đáo của mô hình là đã tích hợp các mô đun như: PLC cơ bản, PLC nâng cao, kỹ thuật cảm biến, điểu khiến khí nén, kỹ thuật điều khiển truyền động cơ điện... Các mô đun này giúp sinh viên lắp ghép và thực hiện nhiều nội dung bài học từ lý thuyết đến thực hành.
Qua đó, hình thành và phát triển được các kỹ năng như: sử dụng phần mềm lập trình, kết nối thiết bị ngoại vi với PLC, điều khiển động cơ, lập chương trình điều khiển. Chi phí để hoàn thiện mô hình của tác giả Bùi Thái Sơn cần khoảng 60 triệu đồng, trong khi đầu tư 1 thiết bị tương tự, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cần khoảng hơn 350 triệu đồng.
Ngoài ra, theo khảo sát, những lớp học có sử dụng mô hình "điều khiển phân loại sản phẩm dùng PLC và điều khiển khí nén” của tác giả Bùi Thái Sơn vào giảng dạy, tỷ lệ sinh viên khá, giỏi đạt gần 70%, trong khi ở những lớp không áp dụng mô hình, tỷ lệ sinh viên khá, giỏi chỉ đạt khoảng 20%.
Tương tự, giải pháp " Nghiên cứu, tính toán, thiết kế chế tạo hệ thống sấy tự động sản phẩm sơn tĩnh điện” của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Xuân Định, Nguyễn Duy Tuấn - Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 83 giành giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII cũng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất. Sản phẩm sơn tĩnh điện của Công ty là hộp sắt quân đội xuất khẩu sang Italia với yêu cầu kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, với phương pháp sấy thủ công được Công ty áp dụng trước kia có tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu cao, tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu thấp, trong khi nhu cầu của khách hàng về chất lượng, số lượng ngày càng cao. Do đó, giải pháp của nhóm tác giả đã kế thừa, chắt lọc tính năng ưu việt của công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của các dây chuyền tự động hiện đại để sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng.
Nhóm tác giả đã tự tính toán, thiết kế, chế tạo hệ thống cơ khí, hệ thống gia nhiệt, hệ thống điện điều khiển và viết chương trình điều khiển hệ thống gia nhiệt cho hệ thống sấy tự động. Tổ hợp sấy tự động của nhóm tác giả này khi hoàn thiện đã được đưa vào ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp giảm khoảng 30% chi phí sản xuất so với dây chuyền sấy thủ công và hiệu suất đảm bảo 100%.
Cùng với những giải pháp trên, thời gian qua, đã có hàng trăm giải pháp trong các lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp; tài nguyên và môi trường; cơ khí tự động hóa; giao thông vận tải, xây dựng; vật liệu, hóa chất, năng lượng; y dược; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; giáo dục, đào tạo... được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống.
Do đó, cùng với việc tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân, công chức, viên chức, nhân dân lao động, các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng của tỉnh cũng cần động viên, khen thưởng kịp thời và có chế độ đãi ngộ thích hợp động viên đội ngũ công nhân, công chức, viên chức, nhân dân lao động trong tỉnh nỗ lực hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Hồng Oanh