Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn, được dẫn giải đến tòa
Theo AFP, sáng nay 14/3, bị cáo Đoàn Thị Hương đã được dẫn giải đến Tòa thượng thẩm Shah Alam trong trang phục áo chống đạn. Tuy nhiên, sắc mặt của Hương dường như không được tốt sau diễn biến bất ngờ ở phiên tòa hôm 11/3.
Phiên đối chất đầu tiên sau khi bị trì hoãn
Theo Washington Post, phiên đối chất, tự bào chữa đầu tiên của Đoàn Thị Hương sẽ được nối lại vào sáng nay 14/3 sau khi bị hoãn hôm 11/3 do những tình tiết bất ngờ liên quan đến việc hủy truy tố đối với bị cáo Indonesia Siti Aisyah.
Chiều 12/3 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho Đoàn Thị Hương.
Tiếp theo cuộc điện đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, chiều cùng ngày 12/3, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long cũng đã gửi thư cho Tổng Chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đề nghị phía Malaysia xem xét trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều đã bị lợi dụng, lôi kéo vào vụ việc.
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah là hai nghi phạm bị Malaysia bắt giữ do bị nghi ngờ liên quan đến vụ đầu độc công dân Triều Tiên Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2/2017.
Hai nghi phạm đã bị đưa ra xét xử kể từ tháng 10/2017. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, quá trình tố tụng bị trì hoãn nhiều lần. Các công tố viên Malaysia đã đề nghị truy tố hai bị cáo với tội danh giết người bất chấp việc các bị cáo nói rằng họ bị lừa tham gia vào một phi vụ mà họ nghĩ rằng cảnh quay phim truyền hình thực tế.
Quyết định hủy truy tố thuộc thẩm quyền của Tổng Chưởng lý Malaysia
Tại phiên tòa sáng ngày 11/3, Thẩm phán Azmin Ariffin của Tòa thượng thẩm Shah Alam tuyên bố, bị cáo Siti Aishah chỉ được hủy truy tố mà không phải là được tuyên trắng án như đề nghị của luật sư bào chữa.
Nói về quyết định hủy truy tố, trả tự do cho Siti đang gây nhiều tranh cãi, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Malaysia Liew Vui Keong cho biết, đây là quyết định hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tổng Chưởng lý. "Tổng Chưởng lý có thể thực hiện thẩm quyền này trong quá trình xét xử. Chính phủ không thể can thiệp", ông Liew nói với các phóng viên.
Trước đó, các thông tin truyền thông nói rằng, bị cáo Siti Aisyah được thả sau những nỗ lực ngoại giao của chính phủ Indonesia và Tổng Chưởng lý Malaysia quyết định thả tự do cho Siti sau khi xét đến "quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".
(Theo Dân Trí)